Sau hơn 2 tháng bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước (từ ngày 3-6-2024), thị trường vàng vốn như con ngựa bất kham, đã dần ổn định. Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp đáng kể.
Nếu giá vàng miếng SJC ngày 29-5-2024 lập đỉnh với mức bán ra là 90,9 triệu đồng/lượng, chênh khoảng 17,5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới thì ngày 22-8-2024, giá mỗi lượng vàng miếng SJC chỉ còn 81 triệu đồng/lượng, chênh giá thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Rõ ràng, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đã "hạ nhiệt" thị trường vàng, giúp các kênh đầu tư khác như tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, cổ phiếu... trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và trên thực tế đã nảy sinh một số bất cập. Ví dụ, nhiều người có nhu cầu nhưng khó tiếp cận với vàng miếng SJC bởi các ngân hàng đều bán “nhỏ giọt”.
Giai đoạn nửa đầu tháng 8-2024, để mua được vàng qua kênh 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không dễ. Trái ngược với tình trạng này, trên thị trường tự do, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng nhẫn diễn ra tấp nập với mức giá chênh từ 1 đến 5 triệu đồng/lượng, tùy loại và thời điểm. Ngoài ra, tình trạng mua bán suất mua vàng trên các hội nhóm trực tuyến bắt đầu nở rộ và đã có hiện tượng người dân đặt lệnh mua nhưng không đến lấy vàng…
Để hạn chế những bất cập nêu trên, một số ngân hàng đã thông báo siết chặt điều kiện mua vàng trực tuyến. Cụ thể, việc đăng ký mua vàng miếng SJC chỉ áp dụng cho các khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng đó và đang hoạt động. Trường hợp chưa có tài khoản, khách hàng có thể mở tài khoản online.
Tuy nhiên, việc chỉ bán vàng trực tuyến cho khách có tài khoản mở tại ngân hàng có thể dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, làm phát sinh những tài khoản "rác", nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng sau khi hoàn tất việc đăng ký mua vàng. Thêm nữa, việc 2 ngày sau mới được nhận vàng cũng gây ra tâm lý không thoải mái cho khách hàng...
Về lâu dài, giải pháp bán trực tiếp vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và Công ty SJC khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do vậy, cần có giải pháp căn cơ để quản lý hiệu quả thị trường vàng.
Nhiều chuyên gia đã đề cập đến việc sửa đổi các quy định liên quan cho phù hợp với thực tế, trong đó xem xét đến việc mở sàn giao dịch vàng. Hiện tại Việt Nam chưa có thị trường tập trung, chưa có nơi giao dịch tập trung, nên giá vàng thường trong tình trạng không ổn định. Các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn cho thấy sự manh mún và có nhiều mảng bán độc lập, dẫn đến thiếu minh bạch.
Thị trường không minh bạch là “mảnh đất màu mỡ” của nạn làm giá, thao túng, đầu cơ… Các giải pháp cụ thể khác như cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vàng để tăng cung; loại bỏ thương hiệu độc quyền SJC, tăng cường hợp tác quốc tế để chống buôn lậu vàng… cũng cần được nghiên cứu áp dụng.
Cùng với đó, cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ đối với các cửa hàng kinh doanh vàng để đưa thị trường vào hoạt động ổn định.
Link gốc