Các nhà đầu tư châu Á tỏ ra thận trọng trong phiên 16/9 khi đang nỗ lực duy trì đà tăng trên thị trường gần đây, với những tranh luận xoay quanh việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ở mức bao nhiêu trong tuần này, trong khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN
Thị trường chứng khoán Nhật Bản, thị trường Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia) và Seoul (Hàn Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,6% xuống 17.271,92 điểm. Chứng khoán Singapore và Wellington giảm điểm, trong khi chứng khoán Sydney và Manila đi lên.
Đồng yen tăng lên mức cao mới kể từ tháng 12/2023 trước thềm quyết định của Fed vào ngày 18/9 và cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hai ngày sau đó. Trên thị trường tiền tệ, đồng yen giao dịch ở mức 140,43 yen/USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2023.
Số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã chậm lại so với dự kiến trong tháng 8/2024 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Điều này đã làm dấy lên cuộc cuộc thảo luận mới về việc các quan chức Fed sẽ công bố một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và tiếp tục nới lỏng vào năm 2025.
Mặc dù dự báo khả năng diễn ra động thái trên đã gia tăng song một số nhà phân tích cảnh báo rằng điều đó có thể gửi đi tín hiệu cho thấy những quan chức Fed đang lo lắng về nền kinh tế, đặc biệt là sau hai lần số liệu cho thấy thị trường lao động đang suy yếu.
Mặc dù các quan chức Fed không tiết lộ cụ thể về kế hoạch cắt giảm lãi suất, nhưng họ đã gợi ý về khả năng cắt giảm lớn hơn và nhận được sự ủng hộ từ một số chuyên gia trong lĩnh vực này.
Chuyên gia Michael Krautzberger tại công ty quản lý đầu tư AllianzGI cho biết giống như các ngân hàng trung ương khác, Fed đang chuyển hướng từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về việc không hành động kịp thời để ngăn chặn các hậu quả tiêu cực như suy thoái kinh tế.
Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao những diễn biến kinh tế ở Trung Quốc sau khi dữ liệu yếu hơn về tín dụng, bán lẻ, sản xuất công nghiệp và giá nhà ở làm dấy lên lo ngại về tình trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại Việt Nam, sáng 16/9, chỉ số VN-Index giảm 4,62 điểm (0,37%) xuống 1.247,09 điểm, còn HNX-Index giảm 0,96 điểm (0,41%) xuống 231,46 điểm.
Minh Hằng/TTXVN (Theo AFP)
Link gốc