• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.275,22 +3,24/+0,25%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.275,22   +3,24/+0,25%  |   HNX-INDEX   230,85   -0,67/-0,29%  |   UPCOM-INDEX   92,21   -0,24/-0,26%  |   VN30   1.344,55   +5,50/+0,41%  |   HNX30   502,36   -1,68/-0,33%
09 Tháng Mười 2024 11:53:11 SA - Mở cửa
Vốn Nhật Bản 'tấn công' thị trường tiêu dùng Việt: Mối lo hay cơ hội cho doanh nghiệp nội địa?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 17/09/2024 10:00:13 SA

Xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn đầu tư cho nhu cầu tại Việt Nam, bao gồm cả M&A (mua bán và sáp nhập) đang diễn ra và được dự báo có thể sẽ là trọng tâm trong tương lai. Việt Nam cần làm gì để tận dụng làn sóng đầu tư này?

Mới đây, một doanh nghiệp hàng đầu ngành chế biến thực phẩm Nhật Bản - tập đoàn Nisshin Seifun công bố kế hoạch cung cấp các sản phẩm của mình tại Việt Nam. Với loạt sản phẩm bao gồm sốt mì Ý, cơm và bột trộn sẵn, Nisshin Seifun đặt mục tiêu cung cấp 2 triệu bữa ăn cho người Việt trong năm 2024.

Bên trong một chuỗi cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản tại Việt Nam. 

Sức hút từ thị trường tiêu dùng

Đáng nói là Nisshin đã có mặt tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ qua nhưng đến nay doanh nghiệp này mới bắt đầu bán sản phẩm tại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trong việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Tập đoàn này đã có 2 nhà máy lớn tại Đồng Nai và thành lập các thương hiệu con như Vietnam Nisshin Technomic. Nhà máy của Nisshin có tổng vốn đầu tư 342 tỷ đồng (khoảng 14,8 triệu USD), với công suất hàng năm đạt 9.000 tấn. Để đáp ứng mục tiêu mở rộng thị trường, tập đoàn này cho biết đang cân nhắc xây dựng thêm nhà máy tại Việt Nam.

Hồi tháng 7, doanh nghiệp bột mì hàng đầu Nhật Bản là Nippn cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy được đặt gần TP. HCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, chuyên sản xuất bột trộn sẵn dùng làm bột chiên và các loại bánh nướng với công suất khoảng 4.300 tấn mỗi năm cho các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản đang sản xuất thực phẩm đông lạnh tại Việt Nam và các doanh nghiệp địa phương.

Những trường hợp “ông lớn” của Nhật Bản tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước như trên không phải là số ít. Đây thực sự đã trở thành một xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.

Khái quát về xu hướng này, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM cho biết, gần đây dòng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam tập trung vào nhu cầu trong nước nhiều hơn là sản xuất, thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty trong nước và thành lập liên doanh: “Chúng tôi nhận thấy, xu hướng đầu tư phục vụ thị trường nội địa nổi lên rõ ràng trong năm nay. Các công ty trước đây chỉ bán hàng qua kênh đại lý đang bắt đầu xem xét mở rộng hoạt động đầu tư trực tiếp sang Việt Nam. Đặc biệt, các yêu cầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe, chăm sóc trẻ em và mỹ phẩm được tìm kiếm hợp tác đầu tư”.

Lý giải về hướng đầu tư mới tại Việt Nam, ông Takahiko Iwahashi, Chủ tịch kiêm CEO của Nisshin Seifun Welna, chia sẻ rằng đây là một thị trường chiến lược, đặc biệt trong phân khúc thực phẩm chế biến sẵn: "Với dân số gần 100 triệu và tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, cùng thói quen nấu ăn tại nhà của hơn 70% dân số, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của tập đoàn".

Còn công ty Nippn dự đoán sẽ có nhu cầu mạnh mẽ ở Đông Nam Á khi nền kinh tế khu vực phát triển. Việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam không chỉ giúp tiếp cận nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để công ty thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng.

“Chúng tôi nhận thấy, đầu tư cho nhu cầu trong nước, bao gồm cả M&A có thể sẽ là trọng tâm trong tương lai”, Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM nhận định.

Cơ hội M&A cho doanh nghiệp Việt

Theo giới phân tích, vài năm gần đây, các công ty Nhật Bản đang tham gia vào các giao dịch M&A tại nước ngoài ngày càng lớn, cho thấy tham vọng của họ trong việc mở rộng kinh doanh và đầu tư đã tăng lên đáng kể. Số liệu từ Recof Data cho thấy, trong năm 2023, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 660 giao dịch M&A ở nước ngoài, tăng 6% so với năm trước đó.

Ông Akihiro Kido, người đứng đầu về M&A tại công ty Mizuho Securities cho biết, các công ty Nhật Bản tìm kiếm đối tác có trụ sở tại những nơi có tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học trẻ. Đông Nam Á là một trong những thị trường được nhiều doanh nghiệp nhắm đến. Các doanh nghiệp Nhật thích nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty địa phương tại đây để tận dụng kinh nghiệm kinh doanh và các mối quan hệ chính trị của các giám đốc điều hành địa phương.

Tại Việt Nam, thực tế, từ năm 2023 đến nay, các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc đã dẫn đầu một đợt sóng M&A mới. Các thương vụ nổi bật có thể kể đến như Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi 1,45 tỷ USD mua 15% cổ phần tại VPBank; Tập đoàn Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là CTCP Đại Tân Việt (New Viet Dairy). Sojitz cũng đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD), chuỗi cửa hàng Ministop của Aeon Mall...

Trong bối cảnh, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, rút khỏi thị trường vì thiếu vốn thì nguồn lực đầu tư kịp thời M&A có thể “cứu sống” nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, M&A còn là cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp nâng cao về công nghệ, kỹ năng, quản trị, mở rộng thị trường, vươn tầm quốc tế cùng dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại trước tình trạng một số ngành hàng Việt Nam đang có vị thế nhất định trong nước lẫn xuất khẩu có thể bị rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Điều này có thể khiến cho thị trường trong nước bị chi phối. Đơn cử, với ngành chế biến thực phẩm, theo Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Lê Phụng Hào, đa phần các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị, đồng thời thiếu liên kết, chưa phát triển được mô hình kinh doanh theo chuỗi và chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế, các FTA…

“Những yếu kém này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam cạnh tranh thị phần”. Để giảm tình trạng này, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới, biến mối lo thành cơ hội cho tăng trưởng.

Quay trở lại câu chuyện thu hút đầu tư từ Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tận dụng lợi thế sẵn có về dân số, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần có chính sách cần thông thoáng hơn để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và nâng cao vị thế trong quá trình M&A. Bên cạnh đó, để thu hút những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn thì môi trường chính sách phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được.

“Việt Nam cần đơn giản hóa và tinh giản thủ tục hành chính - vấn đề được nói tới nhiều trong thời gian qua. Chúng tôi hy vọng, thỏa thuận giữa Nhật Bản và Việt Nam đạt được vào tháng 12 năm ngoái về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp giải quyết những vấn đề tồn tại lâu dài này”, ông Matsumoto Nobuyuki nhận định.


 Ông Yamada Takio, Nguyên Đại sự Nhật Bản tại Việt Nam

 Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới khoa học như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ, quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng trở quan trọng. Việt Nam là điểm đến đầu tư thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản. Gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

 TS. Nguyễn Tuấn Anh, Trường Đại học RMIT Việt Nam

 Đồng Yên đang mất giá nên các doanh nghiệp Nhật tìm cách mang tiền đi đầu tư nước ngoài, như vào Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Nhà đầu tư sẽ nhắm vào những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Họ cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như: bất động sản, xây dựng...

 Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

 Môi trường M&A hiện nay tại Việt Nam cần có chính sách vĩ mô để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Đây là việc Chính phủ cần phải làm, gỡ khó môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp để họ có thể phát triển vững chắc. Cho đến nay, Việt Nam luôn có chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài. Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam lớn mạnh hơn, có vị thế trên thị trường, thì việc tạo điều kiện trong tiếp nhận các nguồn vốn là điều đang cần thiết.


Đỗ Kiều-Link gốc