Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, có thể giúp thêm khoảng 30% sản lượng, tuy nhiên, đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói; bên cạnh đó là tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc...
Giới chuyên môn cho rằng, có nhiều thách thức ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam cần phải nhận diện và chuẩn bị ứng phó, nhất là làm sầu riêng cấp đông trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp thì cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, để hướng tới môi trường xuất khẩu lành mạnh.
Tiềm năng còn rất lớn
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nắm bắt được cơ hội đó, Cục đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nội dung nêu ra các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Theo dự báo của Vinafruit, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400-500 triệu USD.
Đại diện Cơ sở Đóng gói Thanh Trung (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, cơ sở đầu tư thêm xưởng đóng gói, bóc múi sầu riêng cấp đông xuất khẩu với sản lượng lớn vì thấy tiềm năng thị trường xuất khẩu của mặt hàng này còn rất lớn. Hiện xuất khẩu chủ yếu vẫn qua thị trường Trung Quốc. Việc được Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho DN xuất khẩu.
Ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai) cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.
"Để đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói nên số lượng doanh nghiệp tham gia sẽ ít hơn, việc cạnh tranh có thể bớt khốc liệt hơn so với sầu riêng tươi. Phía Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Phân khúc này cũng có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ việc bảo quản được đến 2 năm", ông Thắng đánh giá.
Cũng theo ông Thắng, sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn. Song, cũng theo ông Thắng, do giá sầu riêng hiện đã đạt đỉnh nên dù có mở thêm mặt hàng đông lạnh, sầu riêng cũng khó có khả năng tăng giá thêm mà chủ yếu ổn định đầu ra. "Nếu giá sầu riêng tăng nữa sẽ vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng", ông Thắng nói.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, việc chuyển sang xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, với lợi thế của Việt Nam gần Trung Quốc, chi phí logistics giảm, chắc chắn sẽ tăng cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia.
Đối diện hàng loạt thách thức
Bà Vũ Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Vusavi, một trong các doanh nghiệp đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức kiểm định độc lập để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu. Điều này cũng bao gồm việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới từ cơ quan chức năng của cả Việt Nam và nước nhập khẩu, nhằm tránh các sự cố về chất lượng hoặc quy trình không đạt tiêu chuẩn.
“Tôi nghĩ điều cần nhất là đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sẽ giúp ngăn chặn tình trạng gian lận và làm tăng độ tin cậy của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Hà nói.
Các doanh nghiệp đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn còn đối diện hàng loạt khó khăn.
Bà Hà cũng cho biết, các doanh nghiệp đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn gặp phải nhiều thách thức. Trước hết là vấn đề chi phí đầu tư cao. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống cấp đông tiên tiến, kho lạnh và các trang thiết bị liên quan, điều này tạo ra gánh nặng tài chính lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quy trình cấp đông sầu riêng cũng không đơn giản do phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian và nhiệt độ, đòi hỏi sự chuẩn xác cao và tay nghề kỹ thuật tốt. Doanh nghiệp phải đào tạo nhân lực và theo dõi kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả.
Khó khăn tiếp theo là tăng chi phí vận hành. Việc duy trì nhiệt độ thấp trong suốt quá trình vận chuyển và bảo quản đòi hỏi chi phí năng lượng và kho bãi, từ đó có thể tăng chi phí vận hành, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Một điều nữa ít được đề cập là sự hao hụt sản phẩm. Nếu quy trình cấp đông không đúng chuẩn, có thể dẫn đến hư hỏng sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và làm mất uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Cũng theo bà Hà, để có được thị trường ổn định, đầu tiên là nông dân cần được đào tạo và cập nhật về các yêu cầu của thị trường quốc tế đối với sản phẩm sầu riêng, bao gồm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc. Điều này giúp họ hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của hành vi gian lận.
Việc cần làm tiếp theo là nông dân và doanh nghiệp xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát quy trình sản xuất, từ đó ngăn chặn các hành vi gian lận...
Tương tự, là một doanh nghiệp rất am tường về thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri – cũng lưu ý, sầu riêng là trái cây rất dễ gây “nghiện” cho người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường là rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề không phải ở sản lượng hay mở rộng diện tích mà yếu tố cốt lõi đó là chiến lược bài bản về kiểm soát chất lượng và giá thành. "Nếu không làm tốt hai việc này thì dù sản lượng có tăng nhưng chúng ta cũng vẫn thua đối thủ cạnh tranh" - bà Thực nói.
Link gốc