Ở Thanh Ba (Phú Thọ) ngày càng có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, cùng hợp tác sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp cho hiệu quả kinh tế thấp sang mô hình thâm canh cây ăn trái, mở trang trại cho giá trị kinh tế cao.
Trước đây, phần lớn những cánh đồng ở khu 6, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba là đất pha cát, kém màu mỡ, nhiều khu vực bị bỏ hoang do năng suất canh tác quá thấp. Nhưng nay, màu xanh đã trở lại khi những vựa rau tiến vua, măng tây, trang trại rau, củ, quả sạch mọc lên san sát.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Một trong những người góp phần phủ xanh những cánh đồng pha cát bạc màu ở Lương Lỗ là anh Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập HTX Hoa sen Lương Lỗ. Chữ “duyên” với cỏ hoa đồng nội đã giúp anh cùng nhiều nông dân địa phương khởi nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Nói đến chữ duyên là bởi, theo anh Hùng, ngay từ khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã có suy nghĩ rời xa quê hương để lập nghiệp, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng rồi, sau nhiều năm đi nhiều nơi, trải qua nhiều nghề, cuối cùng anh quyết tâm trở về nối nghiệp gia đình làm nông.
Sự thay đổi trong tư duy đang giúp nông dân Thanh Ba nâng cao giá trị sản xuất.
Khởi nghiệp với nông nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng, anh Hùng mất nhiều năm vật lộn với những mô hình canh tác truyền thống, giá cả bấp bênh, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cũng chỉ đủ ăn.
Bước ngoặt chỉ đến trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, khi địa phương ra chủ trương khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Anh Hùng quyết tâm “làm mới mình”.
Qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng, cùng sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp địa phương, anh Hùng bắt tay khởi nghiệp bằng mô hình “vừa lạ vừa quen” là trồng măng tây xanh. Sở dĩ nói vừa lạ vừa quen là bởi cây măng tây mới ở Lương Lỗ nhưng đã được trồng nhiều ở Phú Thọ và cho giá trị rất cao.
Năm 2020, anh Hùng dốc hết vốn liếng, cùng một số cộng sự thành lập HTX Hoa Sen Lương Lỗ quyết tâm tích tụ ruộng đất, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa hóa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng lớn. Nhưng ngay vụ đầu tiên, thời tiết xấu, măng tây bị bệnh, anh Hùng lỗ hơn 1,3 tỷ đồng.
Chủ động bắt tay liên kết
Cú ngã đầu tiên khiến anh Hùng choáng váng nhưng cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm là làm nông nghiệp hữu cơ không thể dựa vào kinh nghiệm và mộng mơ. Một lần nữa bắt đầu lại từ đầu, anh Hùng cải tạo lại đất, cập nhật kiến thức, khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Cùng với măng tây xanh, anh Hùng đưa vào trồng thêm rau tiến vua, chuối, khoai lang, dưa chuột và các loại rau gia vị theo mùa… Nhờ canh tác khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, các loại cây trồng đều nhanh chóng phát triển ổn định, cho năng suất cao.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất của HTX Hoa Sen Lương Lỗ lên đến 26ha, trong đó diện tích trồng chuối hữu cơ nhiều nhất với 20 ha, 6 ha trồng dưa chuột, rau tiến vua, măng tây, khoai lang và các loại rau củ quả theo mùa… cho doanh thu bình quân hàng năm từ 5-6 tỷ đồng.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ cao điểm thu hoạch, số lao động có thể tăng lên 20-30 người…
Sự chủ động trong liên kết sản xuất là chìa khóa giúp nông dân nâng cao nội lực, tăng hiệu quả canh tác.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng chỉ là một trong số rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thanh Ba với khát vọng khởi nghiệp đã thành công làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể kể đến gia đình anh Lê Văn Việt ở khu Đỉnh Đồng, xã Quảng Yên ươm trồng 3,5ha cây giống, mỗi năm trừ chi phí thu lãi hơn 800 triệu đồng, tạo công việc làm cho 15-20 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ nhiều hộ nghèo gặp khó khăn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 20 hộ quanh vùng.
Hay mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Lê Văn Thời ở khu 3, xã Đỗ Sơn mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 100 tấn gà thịt, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho 17 lao động. Ông Thời còn hỗ trợ phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 25 hộ khác cùng đầu tư phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống...
Một trong những điểm nhấn giúp phong trào khởi nghiệp làm giàu ở Thanh Ba ngày càng nâng lên là chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị.
Thúc đẩy giải pháp hỗ trợ
Cụ thể, ngành nông nghiệp huyện Thanh Ba đã chủ động phát huy thế mạnh từng địa phương để xây dựng các vùng nông nghiệp quy mô lớn; đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến.
Trong đó, huyện đã và đang đẩy mạnh lồng ghép hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án, từ đó từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết bền vững với nòng cốt là các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề.
Đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, mang lại hiệu quả vượt trội, điển hình như mô hình trồng bưởi công nghệ cao tại xã Đông Thành, trồng rau theo công nghệ Israel tại xã Thanh Hà, liên kết sản xuất chuối tại xã Đỗ Sơn, cây gai xanh AP1 tại xã Hoàng Cương…
Một trong những điển hình thành công nhờ nông nghiệp thông minh trên địa bàn huyện Thanh Ba thời gian qua là mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đo khí tượng ở xã Đông Thành.
Mô hình trồng bưởi ở Đông Thành đang gây nhiều chú ý không chỉ bởi hiệu quả kinh tế vượt trội, bình quân 200-350 triệu đồng/ha/năm, mà còn nhờ tính ưu việt, lợi ích cho môi trường như tiết kiệm nước, giảm thiểu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại...
Kết quả từ thực tế chứng minh hầu hết các mô hình có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh trên địa bàn huyện Thanh Ba đều đang cho giá trị kinh tế ổn định. Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, huyện đang tăng cường hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, đến nay, toàn huyện có trên 30 HTX, hàng chục tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Với những kết quả đang có, thời gian tới, Thanh Ba dự kiến tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…, từ đó tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.
Lệ Chi-Link gốc