Ban lãnh đạo BSR mới đây đã hé lộ về khả năng bán vốn, chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong tương lai.
Hôm nay (17/1), cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ chào sàn và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), sau khi huỷ giao dịch tại hệ thống UPCoM vào ngày 7/1 vừa qua.
BSR là cổ phiếu đầu tiên chào sàn HoSE năm 2025, cũng là cổ phiếu được các nhà đầu tư mong chờ khi được ví như “ngôi sao sáng” của UPCoM trong suốt 7 năm giao dịch tại hệ thống này.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc BSR chia sẻ rằng: “Niêm yết trên HoSE không chỉ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của BSR, mà còn là cam kết của chúng tôi về tính minh bạch, chuyên nghiệp và giá trị bền vững cho cổ đông. Chúng tôi tin rằng đây là bước đệm vững chắc để BSR vươn tầm quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam”.
Theo ban lãnh đạo BSR, việc chính thức niêm yết HoSE mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, giúp cổ phiếu BSR tiếp cận được với một lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn.
Chủ tịch HĐQT BSR, ông Bùi Ngọc Dương tại buổi hội nghị nhà đầu tư
Với sự hiện diện trên HoSE, BSR sẽ có thêm nhiều công cụ và kênh huy động vốn hiệu quả, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, đặc biệt là dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Khả năng tiếp cận nguồn vốn đa dạng và lớn hơn sẽ giúp BSR linh hoạt hơn trong việc thực hiện các dự án chiến lược, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn truyền thống.
Được biết, BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ, từ mức 31.000 đồng lên 50.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng).
Trong tương lai, ban lãnh đạo BSR cho biết tuỳ theo nhu cầu vốn, doanh nghiệp có thể tính đến các phương án khác như chào bán, phát hành thêm cổ phiếu, thậm chí nếu việc thu xếp vốn cho dự án nâng cấp mở rộng NMLP Dung Quất chưa thuận lợi, phương án chào bán cổ phiếu cũng có thể được tính đến.
“Chúng tôi sẽ linh hoạt các phương án tăng vốn. Trong giai đoạn 1-2 năm tới, để giải ngân cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất thì nhu cầu vốn sẽ rất lớn, ngoài ra còn các dự án khác mà BSR đang nghiên cứu. Nếu các dự án này được triển khai, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc chào bán, phát hành thêm cổ phiếu”, ông Bùi Ngọc Dương, Chủ tịch HĐQT BSR cho biết.
Ngoài ra, ông Dương cũng hé lộ thêm về hoạt động chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, ông Dương nhận định việc BSR có cổ đông chiến lược hay không phụ thuộc vào quyết định của cổ đông lớn, chỉ đạo của Chính phủ.
“Nếu Chính phủ có mong muốn phát triển và chia sẻ cho nhà đầu tư chiến lược quan tâm sẽ có chỉ đạo, có phương án thoái vốn cho nhà đầu tư tốt, có năng lực, tài chính và lợi thế. Đây không phải là thẩm quyền của BSR. Nếu tìm được cổ đông chiến lược phù hợp, chúng tôi hoàn toàn có thể chủ động đề xuất”, ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Về dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, trong khi giới phân tích lo lắng rằng dự án có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong bối cảnh tín dụng cho năng lượng hoá thạch bị hạn chế, ban lãnh đạo BSR lại khá tự tin với việc thu xếp vốn cho dự án, bởi đây là dự án nâng cấp chất lượng giảm phát thải, đã bao gồm yếu tố “xanh”.
BSR hiện đang tiếp cận và đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án, theo đó chưa gặp khó khăn gì trong việc thu xếp vốn. Về vốn tín dụng trong nước, doanh nghiệp đã làm việc với các ngân hàng trong nhóm Big4, trong đó tỷ lệ thu xếp vốn có thể gấp 3 lần nhu cầu vốn của BSR.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quan tâm đến ngành dầu khí, do đó cho phép BSR tiếp cận các nguồn vốn vay ngoại tệ. Dẫu vậy, BSR vẫn hy vọng có cơ hội tiếp cận ngay với nguồn vốn giá rẻ trong nước.
“Chúng tôi vẫn chưa tới bước quyết định xem nên lựa chọn phương án nào, điều này sẽ phụ thuộc vào thời điểm quyết định đầu tư dự án”, ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Được biết, tổng mức đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất lên đến 36.431 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, được BSR kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Hải Đường-Link gốc