Hàng rào kỹ thuật sẽ là bài toán “cân não” cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giày trong năm 2025 khi các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU... ngày càng tập trung nhiều vào chuyện này. Mục tiêu đạt kim ngạch 27 tỷ USD cho năm nay sẽ khả dĩ một khi ngành hàng này có giải pháp khắc chế tốt, không để tăng thêm rủi ro từ những rào cản thương mại.
Nói về những hàng rào kỹ thuật trong năm 2025, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng đây là bài toán mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành da giày phải nắm được và xử lý cho được khi mà các quốc gia hiện đang tập trung nhiều vào câu chuyện này.
Nhìn từ chính sách mới ở Hoa Kỳ
Như băn khoăn của ông Kiệt, ngành da giày chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều với những yêu cầu về sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn. Bởi vì ngành này sử dụng khá nhiều các loại hóa chất.
“Do vậy, một trong những giải pháp cho xuất khẩu (XK) da giày trong năm 2025 là vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước hiện nay. Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ là bài toán sẽ ảnh hưởng khá lớn khi mà cơ cấu XK của da giày nhiều năm liên tục chiếm ở mức trên dưới 40%”, ông Kiệt chia sẻ.
Các sản phẩm giày dép của Việt Nam sẽ càng vươn xa trên thị trường xuất khẩu hơn nếu khắc chế tốt những rào cản thương mại.
Qua trao đổi với VnBusiness, vị Phó chủ tịch Lefaso lưu ý nếu có những ảnh hưởng rõ ràng từ hàng rào kỹ thuật ở thị trường Hoa Kỳ sẽ mang lại nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên, việc chính sách từ chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump muốn đưa sản xuất về Hoa Kỳ sẽ khó khả thi đối với ngành da giày Việt Nam.
Điều đó có 3 lý do. Thứ nhất, ở Hoa Kỳ vẫn có một số nhà máy sản xuất da giày, nhưng muốn tập trung đưa ngành hàng này dồn dập trở về là điều không thể cho dù họ có trình độ tự động hóa cao. Bởi vì đây là ngành vẫn phải sử dụng nhiều nhân công mà đa số là ở mức trung bình và thấp. Cho nên chắc chắc chắn ngành da giày sẽ không phải là mục tiêu chính mà chính quyền mới nhắm đến.
Thứ hai là vấn đề về chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, đối với một doanh nghiệp (DN) da giày có quy mô lớn ở Việt Nam, chỉ trong vòng 4 - 5 năm sản xuất thì đầu danh mục nguyên phụ liệu đã lên đến trên 100.000 chủng loại khác nhau. Việc này không thể nào Hoa Kỳ có thể tạo được chuỗi cung ứng trong nước mà vẫn phải nhập khẩu. Và nếu phải nhập khẩu, đối với họ sẽ không có ý nghĩa gì cả.
Thứ ba là khi tính thử bài toán sản phẩm da giày sản xuất tại Việt Nam cộng với toàn bộ chi phí logistics và giả định rằng sẽ bị đánh thuế vẫn thấp hơn nhiều so với việc Hoa Kỳ tổ chức sản xuất trong nước. Và chắc chắn với một lãnh đạo như ông Donald Trump vốn rành rẽ về thương mại sẽ không chọn giải pháp này.
Từ ba lý do như nêu trên, ông Diệp Thành Kiệt tin rằng đứng riêng về phía ngành da giày Việt Nam, việc giảm bớt XK để chuyển sang sản xuất ở Hoa Kỳ là chuyện hoàn toàn không có. Tuy nhiên, đứng về phía toàn cục, chúng ta vẫn phải có hai giải pháp chính để đối phó với rào cản thương mại.
Thứ nhất là kiểm soát XK sang Hoa Kỳ một cách thực chất. Đặc biệt cần tránh cho được tình trạng “chuyển tải” sản xuất. Tức là giải quyết tình trạng đưa sản phẩm đã sơ chế hoặc thậm chí sản xuất gần hoàn thiện ở nước ngoài sau đó đưa về Việt Nam với danh nghĩa bán thành phẩm và làm một số công đoạn với giá trị rất thấp như đóng gói, dán nhãn rồi XK đi. Việc này cực kỳ nguy hiểm vì dù làm cho giá trị XK tăng lên nhưng chúng ta không hưởng được giá trị nào cả.
Thứ hai là vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày. Thay vì nhập khẩu từ một số nước có giá trị cao, chúng ta có thể chuyển dần sang nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Đây cũng là một cách để giải quyết được bài toán về thương mại công bằng mà chính quyền mới của Donald Trump sẽ tập trung chú ý.
Nên nhắc thêm, khi dự báo ảnh hưởng chính sách của ông Donald Trump đến Việt Nam, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC cho rằng hiện tại, cơ bản các mặt hàng dệt may, giày dép XK đang chịu mức thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ ở khoảng 4% - 8%. Trong nhiệm kỳ lần thứ 2 của ông Trump, mức thuế trên sẽ được duy trì hoặc tiếp tục tăng trong bối cảnh chênh lệch thương mại Việt - Mỹ ngày càng lớn. Điều này sẽ phần nào làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ có giá thành thấp như Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập,...
Đừng để tăng thêm các rủi ro
Tuy nhiên, phía BSC tin rằng với lợi thế tay nghề cao, làm được hàng khó, hàng giá trị gia tăng cao cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), tình hình chính trị ổn định, vẫn là điểm hút lượng đơn về cho các DN Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh xu hướng Trung Quốc +1 được kỳ vọng gia tăng mạnh.
Ngoài vấn đề ở thị trường Hoa Kỳ, nếu xét về hàng rào kỹ thuật, bài toán “cân não” mà các DN da giày cần để tâm nhiều hơn vẫn là từ những thị trường lớn, chủ lực như EU (chiếm tỷ trọng XK trên 30%) đang đặt ra yêu cầu tính tuân thủ rất cao về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nguyên phụ liệu theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, phát thải carbon thấp, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.
Trong khi đó, như băn khoăn của ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, việc tuân thủ những quy định khắt khe từ thị trường nhập khẩu là áp lực lớn về mặt chi phí cho các DN da giày Việt Nam khi đòi hỏi nguồn lực lớn cho các DN da giày Việt Nam. Chưa kể, vốn đang đối mặt với chi phí đầu vào ngày càng cao từ nguyên vật liệu, logistics, nhân công, nguyên vật liệu thì chi phí tuân thủ tiêu chuẩn xanh với những DN nhỏ và vừa sẽ trở nên quá sức.
Riêng về vấn đề nguyên phụ liệu, một thách thức lớn là ngành da giày rất khó khăn khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, trong khi hàng năm vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…
Đáng chú ý, việc nhập khẩu quá nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc càng làm tăng rủi ro cho chuỗi cung ứng của ngành da giày. Mặc dù điều này đã được lưu ý nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải để các DN da giày có thể vượt qua các rào cản thương mại.
Tựu trung, thách thức về hàng rào kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu là điều khó tránh khỏi với các nhà XK da giày của Việt Nam trong năm 2025. Nhưng để thách thức này không biến thành quá nhiều rủi ro, đang cần các DN thích ứng tốt hơn. Sau khi XK da giày có được tăng trưởng tốt trong năm 2024 (đạt trên 26 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023) và đặt mục tiêu tăng trưởng XK năm 2025 là 10% (đạt 29 tỷ USD), đòi hỏi ngành hàng này phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là khắc chế các rào cản thương mại.
Thế Vinh-Link gốc