Năm 2025, thị trường chứng khoán châu Á được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực từ nhiều yếu tố bất ổn.
Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Triển vọng về các biện pháp thuế quan mạnh tay của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cùng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, có thể kìm hãm đà tăng của các tài sản châu Á. Thực tế này có thể khiến chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục bị tụt lại so với chỉ số S&P 500, sau khi đã giảm tới 16% trong năm 2024.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào các động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc. Các kế hoạch thúc đẩy nhu cầu trong nước của Trung Quốc sẽ là yếu tố then chốt quyết định diễn biến của thị trường chứng khoán khu vực. Ngoài ra, những diễn biến chính trị ở Hàn Quốc, cũng như các quyết định của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và các ngân hàng trung ương khác, cũng sẽ được theo dõi sát sao.
Những yếu tố chính có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán châu Á trong năm 2025 gồm:
Các biện pháp kích thích kinh tế Trung Quốc: Sau đợt tăng trưởng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế bị chững lại, giới đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3/2025 để xem xét mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Trung Quốc, cũng như các kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy tiêu dùng.
Theo ông Mark Matthews, người phụ trách nghiên cứu khu vực châu Á thuộc ngân hàng Julius Baer tại Singapore, các biện pháp có thể được đưa ra bao gồm trợ cấp, phiếu mua hàng, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, vẫn còn những lo ngại về sức phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Bất kỳ động thái kích thích nào cũng có thể thúc đẩy dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi ở châu Á có liên quan đến Trung Quốc.
Thuế quan của Mỹ: Những bất ổn xung quanh chính sách thương mại của ông Trump vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường chứng khoán châu Á. Kế hoạch áp thuế của ông, đối với cả các đồng minh lẫn đối thủ, có thể gây tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, một số lĩnh vực có thể chịu áp lực đáng kể từ các chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm năng lượng tái tạo, các nhà sản xuất chip và chuỗi cung ứng của họ tại châu Á.
Ông Xiao Feng, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại CLSA Hong Kong (Trung Quốc), nhận định rằng việc áp thêm thuế đối với xe điện Trung Quốc, vốn đã bị đánh thuế 100% dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, có thể không gây nhiều tác động do Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.
Tuy nhiên, ông Xiao Feng cũng cảnh báo, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mexico và Canada có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm nếu ông Trump quyết định áp thêm thuế đối với hai quốc gia này. Điều này cho thấy, những biện pháp thuế quan có thể gây ra những ảnh hưởng lan tỏa đến các ngành công nghiệp khác nhau trong khu vực.
Ngược lại, các thị trường như Ấn Độ và một số khu vực Đông Nam Á có thể hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Lộ trình lãi suất: Fed đã phát tín hiệu thận trọng về việc tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho đồng USD tiếp tục tăng giá, ít nhất là trong giai đoạn đầu năm 2025. Điều này có thể gây áp lực giảm giá lên các đồng tiền và thị trường chứng khoán châu Á.
Nền kinh tế Mỹ kiên cường và các chính sách có khả năng gây xáo trộn của ông Trump cũng được cho là sẽ đẩy lạm phát tăng cao, làm suy yếu khả năng giảm chi phí đi vay của các ngân hàng trung ương trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Phố Wall dự đoán đồng USD sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2025, khi lãi suất thực ở Mỹ giảm và sự hứng thú với tài sản rủi ro cải thiện. Nếu điều đó xảy ra, dòng vốn vào châu Á có thể tăng lên trong nửa cuối năm.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ): Các nhà kinh tế tại các công ty tài chính lớn đã đẩy lùi kỳ vọng về đợt tăng lãi suất tiếp theo của BoJ sang tháng 3/2025, sau khi Thống đốc Kazuo Ueda có những phát biểu ôn hòa trong tháng trước. Điều này khiến các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng vào đà tăng của đồng yen, vốn đã giảm 10% so với đồng USD trong năm 2024. Một đồng nội tệ yếu hơn có thể thúc đẩy các nhà xuất khẩu, chẳng hạn như các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ và ô tô. Diễn biến của thị trường Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số MSCI châu Á, trong đó chứng khoán Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 32%.
Việc BoJ trì hoãn tăng lãi suất có thể làm chậm quá trình đảo chiều của các giao dịch "carry trade" dựa trên đồng yen. Giao dịch "carry trade" là hình thức vay tiền bằng đồng yen với lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nước ngoài.
Bất kỳ thay đổi nào tiếp theo trong chính sách của BoJ đều có thể gây ra những tác động vượt ra ngoài phạm vi Nhật Bản và châu Á. Nguyên nhân là bởi các công ty và cá nhân Nhật Bản là những nhà đầu tư lớn vào tài sản nước ngoài, đồng thời đồng yen đóng vai trò quan trọng như một loại tiền tệ tài trợ toàn cầu.
Khủng hoảng ở Hàn Quốc: Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vẫn còn bấp bênh khi nước này phải đối mặt với sự gia tăng bất ổn chính trị và kinh tế. Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống 1,8% sau khi tăng trưởng 2,1% trong năm 2024. Điều này phản ánh những hậu quả từ vụ việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.
Tình hình này làm tăng nguy cơ thị trường chứng khoán Hàn Quốc, vốn là một trong những thị trường hoạt động kém nhất toàn cầu năm 2024, tiếp tục đi lùi so với đối thủ công nghệ lớn là Đài Loan (Trung Quốc). Đồng won đang dao động gần mức thấp nhất trong 15 năm. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi quyết định của Tòa án Hiến pháp về việc liệu ông Yoon có bị phế truất hay không.
Minh Hằng/TTXVN (Theo Bloomberg)
Link gốc