Thay vì loay hoay “than ngắn thở dài” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ đạo áp thuế đối ứng với toàn thế giới, các doanh nghiệp Việt nên xem đây là động lực để họ hành động “làm mới” chuỗi cung ứng. Nhất là tăng tỷ lệ cung ứng nội địa, thiết kế lại nguồn cung, phát triển khả năng truy xuất nguồn gốc, xây dựng các mạng lưới logistics tiên tiến, xuất khẩu tại chỗ…
Khi được hỏi về việc ứng phó của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thay vì trả lời một cách trực diện vấn đề này, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, lại cho biết phía Jetro đang nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để làm thế nào vào được các chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản. Cụ thể là thường xuyên tìm kiếm, khảo sát các công ty Việt Nam nhằm tìm ra những công ty tốt, rồi hình thành danh bạ (trong đó có ghi thông tin cần thiết về DN) để giới thiệu cho phía DN Nhật.
Tính toán lại cách thiết kế
Tuy vậy, như hiện tại, ông Matsumoto cho rằng vấn đề chất lượng và năng lực kỹ thuật của chuỗi cung ứng nội địa ở Việt Nam là chưa đạt yêu cầu trong góc nhìn của giới đầu tư Nhật Bản. Vấn đề tiên quyết vẫn là các DN Việt Nam phải làm sao giải quyết được về chất lượng, một khi đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu của DN Nhật Bản thì lúc đó mới nâng cao được tỷ lệ cung ứng nội địa.

Giữa tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, các DN Việt nên xem đây là động lực để có hành động “làm mới” chuỗi cung ứng.
Từ chia sẻ như trên của vị trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM để thấy mặt yếu của chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn còn đó, đặc biệt là về tỷ lệ cung ứng nội địa. Vấn đề này càng trở nên đầy thách thức khi trong trung tuần tháng 2/2025 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo áp thuế đối ứng với toàn thế giới và nguy cơ chiến tranh thương mại tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, thay vì loay hoay “than ngắn thở dài”, đứng ở góc độ chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Ts. Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam nên coi những biến động thuế quan sắp tới là động lực để phát triển khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của mình.
Theo Ts. Hùng, khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm và phân biệt chúng với các sản phẩm của Trung Quốc.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ và các thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc.
“Cuộc thương chiến này mang đến cho Việt Nam cơ hội tái cấu trúc các chuỗi cung ứng. Sẽ không bền vững nếu chỉ trở thành trạm trung chuyển cho khâu đóng gói đơn giản. Thay vào đó, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn để triển khai các quy trình công nghệ mang lại giá trị gia tăng”, vị chuyên gia này nêu rõ.
Cũng theo ông Hùng, các DN Việt cũng nên chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất để tránh bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra chống trốn thuế trong tương lai.
Xét về nguồn cung đầu vào của các DN Việt, nhất là phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giới phân tích cho rằng nếu chuỗi cung ứng của DN quá phụ thuộc vào một nhà cung ứng thì rủi ro sẽ càng cao giữa biến động thuế quan như hiện nay. Cho nên các DN cần xem xét lại cách thiết kế chuỗi cung ứng, tính toán đến những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra và có những chiến lược phù hợp để tránh rủi ro, vượt qua khủng hoảng.
Theo đó, có hai hướng đến DN “làm mới” chuỗi cung ứng của mình. Thứ nhất là thiết kế lại với các nguồn cung ứng thứ hai, tốt hơn là có một nguồn thứ hai bên ngoài nguồn cung chính như lâu nay. Thứ hai là nên thiết kế lại việc sử dụng nguồn cung nội địa, có thể là tại địa phương hoặc vùng lân cận.
Then chốt là hành động
Ngoài ra, ông Boon Tiam Tan, Tổng giám đốc UPS Việt Nam – Thái Lan, có lời khuyên cho các DN Việt nên tối ưu hóa chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí tối đa nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với các nền kinh tế khác. Các công ty nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bằng cách di chuyển sản xuất và lưu trữ đến gần hơn với nhu cầu.
Hơn nữa, các DN Việt cần lưu ý, để thay thế cho Trung Quốc, các công ty nước ngoài đang tìm nguồn cung ứng từ các thị trường mới có chi phí thấp hơn. Họ thường tận dụng các nhà cung cấp ở các quốc gia này giúp bảo vệ khỏi sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Để các DN vừa và nhỏ của Việt Nam củng cố chuỗi cung ứng, ông Boon Tiam Tan có lời khuyên là cần năm cách hành động. Thứ nhất là đo lường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của DN và xác định những khoảng trống. Thứ hai là đa dạng hóa những gì DN bán, bán cho ai và mua từ đâu. Thứ ba là duy trì một “danh mục” các lựa chọn về vận chuyển. Thứ tư là tạo khả năng hiển thị từ đầu đến cuối thông qua dữ liệu và các năng lực kỹ thuật số để giúp quản lý chuỗi cung ứng của DN. Thứ năm là liên kết với các DN hàng đầu hoặc lớn hơn để mô phỏng các phương pháp hay nhất trong ngành và phát triển sự hậu thuẫn chung.
Còn với việc làm ăn cùng đối tác Mỹ giữa chính sách thuế quan của Mỹ cũng đòi hỏi các DN Việt nên “làm mới” nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng, xem đây là chiến lược then chốt. Chẳng hạn như xây dựng các mạng lưới logistics tiên tiến với hệ thống theo dõi thời gian thực, quản lý hàng tồn kho thông minh và phân tích dự báo. Những cải tiến này giúp giảm thiểu lãng phí, hạ thấp chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho đối tác tại Hoa Kỳ.
Mặt khác, việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các DN Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan trọng. Nhiều công ty Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà cần thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với đối tác Mỹ, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường hay chính sách thuế quan mới.
Ngoài ra, theo Ts. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Đại học Công Thương Tp.HCM, khi Hoa Kỳ chuyển dịch sự quan tâm sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược cân bằng với Trung Quốc có thể mở ra làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng cao. Đây là điều kiện rất tốt để các DN Việt Nam xuất khẩu tại chỗ và tham gia chuỗi cung ứng với các ngành thuộc hoạt động chính và hỗ trợ tại chỗ.
Hơn nữa, như lời khuyên của Ts. Thanh, các DN Việt khi tham gia vào một chuỗi giá trị cần ưu tiên cho các lĩnh vực, các ngành mà phía Hoa Kỳ quan tâm. Nhất là xác định rõ quy mô và tỷ lệ giá trị của hoạt động mà mình tham gia trong tổng giá trị của chuỗi, xác định rõ nguồn lực và lợi thế cạnh tranh của mình.
Thế Vinh-Link gốc