Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi hợp tác với Mỹ, nhưng tuyên bố không ngần ngại đáp trả nếu bị chính quyền Trump áp thuế quan.
Ông Donald Trump coi EU là đối tượng tiếp theo cho các biện pháp áp thuế thương mại đơn phương (Ảnh: Euractiv)
Chiến lược đe dọa áp thuế quan của tân Tổng thống Mỹ đang đẩy thương mại toàn cầu vào vùng nguy hiểm. EU được nhà lãnh đạo Mỹ chỉ đích danh là cái tên tiếp theo.
“Chắc chắn nó sẽ xảy ra với Liên minh châu Âu," Trump nói về kế hoạch áp thuế quan của mình và nhấn mạnh EU thực sự đã lợi dụng chúng ta. Nếu xảy ra, đây sẽ là mâu thuẫn lớn nhất từng có giữa quan hệ thương mại lớn nhất trên thế giới.
Gần đây, ông Trump đã tuyên bố thuế quan bổ sung với hai đồng minh lớn là Canada và Mexico. Việc ông Trump đồng ý tạm hoãn thuế quan đối với hai nước này trong một tháng cũng không làm giảm bớt lo ngại của các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Đe dọa quan hệ kinh tế
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và châu Âu là lớn nhất và phức tạp nhất thế giới.
Ông Trump liên tục chỉ trích về thặng dư thương mại mà châu Âu từ lâu đã duy trì với Mỹ, ước tính vượt quá 300 tỷ USD. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với EU năm ngoái là 214 tỷ USD, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang EU đạt 342 tỷ USD.
"EU không mua xe hơi của chúng ta, không mua sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, hầu như chẳng mua gì cả, trong khi chúng ta nhập khẩu mọi thứ từ họ," ông Trump nói.
Năm 2023, Mỹ đạt thặng dư khoảng 77 tỷ USD từ xuất khẩu dịch vụ sang EU theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, khối lượng thương mại giữa hai bên còn kém xa so với giá trị đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Mỗi bên chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế của bên kia, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ được phân tích bởi Phòng Thương mại Mỹ tại EU.
Doanh thu của các công ty Mỹ hoạt động tại châu Âu, với hơn 3,8 nghìn tỷ USD vào năm 2022, cao gấp 4 lần so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang châu Âu, theo AmCham EU. Các công ty châu Âu hoạt động tại Mỹ cũng có doanh thu và tỷ lệ tương tự.
Các nhà lãnh đạo EU đau đầu tìm cách đối phó với đối tác thương mại lớn nhất của khối (Ảnh: The Telegraph)
EU tức tốc tìm cách đáp trả
Châu Âu đã lường trước kịch bản này, tuyên bố sẽ sẵn sàng đáp trả nhưng vẫn ưu tiên hợp tác. Cuộc họp tại Brussels vào thứ Hai tuần này giữa các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về phản ứng thương mại và chi tiêu quân sự – một vấn đề nóng khác đối với ông Trump, trong đó phần lớn đã giảm nhẹ khả năng áp dụng các biện pháp trả đũa tương tự.
Tuy nhiên, khối 27 quốc gia này tuyên bố đã chuẩn bị sẵn các phương án đáp trả thuế quan của ông Trump trong nhiều tháng qua. "Nếu chúng ta bị tấn công về thương mại, châu Âu với tư cách là một cường quốc bền vững, sẽ phải giành được sự tôn trọng và đáp trả," Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.
Theo các nguồn tin, phương án đáp trả đe dọa thuế quan từ Mỹ đã được châu Âu dự kiến bao gồm việc áp thuế lên các sản phẩm đến từ các bang nhạy cảm về mặt chính trị của Mỹ.
Các quan chức châu Âu cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán với đối tác Canada, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với EU, và gần đây đã công bố một thỏa thuận thương mại mới với Mexico. Hôm Chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã trao đổi với António Costa, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, để tìm cách hợp tác chống lại áp lực từ Mỹ.
Áp lực thuế quan của ông Trump xuất hiện vào một thời điểm khó khăn đặc biệt đối với châu Âu. Nền kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,8% vào năm 2024, theo ước tính sơ bộ của cơ quan thống kê EU. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong cùng kỳ, theo Bộ Thương mại Mỹ. Các nhà lãnh đạo của các nước lớn nhất EU, bao gồm Đức, Pháp và Ba Lan, đang bị hạn chế bởi tình trạng đấu đá chính trị và các cuộc bầu cử.
Các quan chức cấp cao của EU đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với ông Trump để đối phó với Trung Quốc về mặt kinh tế và địa chính trị. So với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, châu Âu đã trở nên cảnh giác hơn nhiều với Trung Quốc.
"Điều rõ ràng là không có ai thắng trong các cuộc chiến thương mại," người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, Kaja Kallas, nói và nhấn mạnh nếu Mỹ khơi mào một cuộc chiến thương mại với châu Âu, thì kẻ đứng ngoài và cười chính là Trung Quốc.
Nam Trần-Link gốc