Việc thúc đẩy xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cũng như điều chỉnh quy hoạch điện VIII với tầm nhìn dài hạn đang là những bước đi cần thiết nhằm tạo bước tiến lớn đưa những nguồn điện mới bắt nhịp cùng sức bật ngành sản xuất trong thời gian tới. Điều quan trọng là cần xây dựng, củng cố các quy định pháp lý minh bạch và tạo động lực cho thị trường năng lượng tái tạo.
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, mới đây khi chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới ngày 31/12/2031 phải hoàn thành.
Những bước đi cần thiết
Việc trao thầu hai nhà máy điện hạt nhân với sự tham gia của hai doanh nghiệp (DN) nhà nước như Petrovietnam và EVN được kỳ vọng có thể thúc đẩy độ tin cậy của dự án và đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250206/images/-5802-1738748031_1200x0(1).png)
Việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất cần thiết trong lúc này khi điều kiện thị trường liên tục thay đổi.
Từ việc triển khai phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Ts. Richard Ramsawak (Đại học RMIT) nhận định về lâu dài, điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, giúp cải thiện an ninh năng lượng dài hạn bằng cách giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước biến động giá nhiên liệu toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, theo Ts. Ramsawak, Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện than, thủy điện và khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam phải đổi phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, điện hạt nhân nổi lên trở lại như một giải pháp tiềm năng để thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ với điện hạt nhân, việc trao thầu các dự án thí điểm những nguồn điện mới (như năng lượng tái tạo) có sự tham gia của cả các DN nhà nước cùng với các nhà phát triển tư nhân là rất cần thiết trong lúc này.
Với những dự án thí điểm này, lý tưởng là có sản lượng từ 800 đến 1,2 GW, cần ưu tiên hiệu quả chi phí. Giới quan sát hi vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ là người nắm quyền quyết định đối với các dự án thí điểm và những dự án lớn khác về cơ sở hạ tầng năng lượng công nghệ mới, từ đó sẽ giúp những dự án này được thực hiện kịp tiến độ.
Ngoài ra, như khuyến nghị gần đây của nhóm chuyên gia EU khi đến Việt Nam để thảo luận về vấn đề năng lượng. Đó là cần điều chỉnh các quy hoạch tổng thể và khung pháp lý để phù hợp với điều kiện thị trường liên tục thay đổi. Nhất là khắc phục những khoảng trống pháp lý - một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Và để thích ứng với điều kiện thị trường thay đổi, ngay trong thượng tuần tháng 2/2025 này, Bộ Công Thương đã và đang xin ý kiến tham vấn đối với Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Như trong bảng thuyết minh chung của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), từ tháng 5/2023 đến nay, đã xuất hiện nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện đã nêu tại Quy hoạch điện VIII. Việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, phù hợp với quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong việc điều chỉnh này, về chương trình đầu tư phát triển điện lực trong giai đoạn quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dự trù với phương án phát triển điện lực của Kịch bản cơ sở, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 153,7 tỷ USD (cao hơn khoảng 50% so với Quy hoạch điện VIII). Còn tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2050 khoảng 786,7 tỷ USD.
Động lực cho thị trường năng lượng tái tạo
Về giải pháp thu hút và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện, trong bản thuyết minh của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện và kịp thời điều chỉnh đối với các quy định về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn áp dụng đối với dự án điện năng lượng mới, dự án điện gió ngoài khơi; Điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi; Quy định về chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi...nhằm đảm bảo tính khả thi và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của nhà nước, của người dân.
Từ đó có thể thấy về mặt chính sách đang có sự “nắn chỉnh” nhằm tạo bước tiến lớn cho việc phát triển những nguồn điện mới. Điều này cũng nhằm đáp ứng sức phát triển mạnh của ngành sản xuất ở Việt Nam như hiện tại và cả trong tương lai.
Như lưu ý của Ts. Đào Lê Trang Anh, chuyên gia kinh tế, với vai trò thiết yếu của năng lượng trong việc vận hành máy móc, các DN sản xuất phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng và sự biến động của thị trường năng lượng. Và vấn đề năng lượng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính và kế hoạch chiến lược dài hạn của các DN sản xuất.
Theo vị chuyên gia này, một trong những giải pháp chính để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống là Việt Nam cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Từ góc độ của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng và củng cố các quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch liên quan đến các tiêu chuẩn môi trường và bền vững.
Còn theo nhận định của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, những tín hiệu tích cực trong ban hành chính sách sẽ là động lực cho thị trường năng lượng tái tạo từ năm 2025. Đơn cử như việc ban hành DPPA (cơ chế bán điện trực tiếp), ban hành cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, tính toán sơ bộ khung giá điện gió 2025 thì thị trường phát triển năng lượng tái tạo sẽ sôi động hơn từ năm nay.
Như với cơ chế DPPA, theo MBS, không chỉ tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong thị trường điện, mà còn hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải cacbon. Điều này phù hợp với xu thế hiện đại trong bối cảnh Việt Nam dự kiến đón dòng vốn FDI lớn với tiêu chuẩn “xanh” hơn, cũng như nâng cao vị thế các DN xuất khẩu nội địa để đáp ứng được nhu cầu khắt khe thị trường quốc tế.
Tuy vậy, với cơ chế DPPA, dù có tiềm năng lớn, vẫn cần được tinh chỉnh, đặc biệt để đảm bảo sự an tâm của nhà đầu tư và hỗ trợ pháp lý. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo của mình, giới chuyên gia quốc tế khuyến nghị là Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý vững chắc và linh hoạt.
Thế Vinh-Link gốc