Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 của Vietnam Airlines đạt 7.958 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của hãng.
Khoản lãi kỷ lục 8.000 tỷ trong năm 2024
Theo báo cáo hợp nhất sau kiểm toán, tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines trong năm 2024 đạt 113.746 tỷ đồng, trong đó doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ đạt 85.428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục với 7.958 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 2.775 tỷ đồng.
So với báo cáo tự lập trước đó, lãi ròng năm 2024 của Vietnam Airlines tăng thêm 690 tỷ đồng sau kiểm toán, chủ yếu nằm ở việc điều chỉnh chi phí tài chính.
.png)
Kết quả sau kiểm toán năm 2024 của Vietnam Airlines.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 sau kiểm toán của của Vietnam Airlines tăng mạnh so với số lỗ năm 2023 chủ yếu do các nguyên nhân như lợi nhuận sau thuế kiểm toán năm 2024 của công ty mẹ đạt hơn 2.775 tỷ đồng, tương đương tăng lợi nhuận gần 7.574 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ phát sinh năm 2024 tăng hơn 14.628,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng hơn 14.314 tỷ đồng do thị trường hàng không quốc tế đi/ đến Việt Nam phục hồi (doanh thu quốc tế tăng 17.2% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng chi phí phát sinh năm 2024 của Công ty mẹ tăng 9,5% tương đương tăng 7.052 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do tăng chi phí giá vốn (tăng tương ứng với tăng sản lượng) và chi phí tài chính tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biến động tỷ giá.
Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của năm 2024 sau kiểm toán nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến lãi gộp về cung cấp dịch vụ và lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2024 sau kiểm toán lần lượt đạt trên 10.588,5 tỷ đồng và 2.775 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2024 sau kiểm toán lãi 7.957,5 tỷ đồng so với số lỗ 5.631,7 tỷ đồng của năm 2023 chủ yếu do Công ty mẹ kinh doanh có lãi trong năm 2024 và các công ty con đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra trong năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận thu nhập khác hợp nhất tăng mạnh do Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu.
Trong năm 2024, Vietnam Airlines cho biết thị trường vận tải phục hồi và hãng chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… giúp mức lợi nhuận năm 2024 tăng 2 mạnh so với số lỗ năm 2023 (lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất và Công ty mẹ năm 2024 đạt lần lượt 7.957,5 tỷ đồng và 2.775,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023).
Lợi nhuận sau thuế năm 2024 sau kiểm toán của Công ty mẹ và báo cáo hợp nhất của Vietnam Airlines tăng lần lượt 612 tỷ đồng và 690 tỷ đồng so với lợi nhuận lũy kế năm 2024 trong báo cáo quý 4/2024 đã công bố chủ yếu do hãng hoàn thành thỏa thuận giảm trừ tiền lãi phải trả đối với một số đối tác; điều chỉnh giảm chi phí sửa chữa bảo dưỡng phân bổ cho đội tàu thuê được gia hạn thời gian trả tàu và thay đổi dự tính các khoản mục chi phí khi nhận đủ hóa đơn và xác nhận công nợ.
Chưa hết, Vietnam Airlines còn cho thấy những chuyển biến tích cực trong việc tái cấu trúc tài chính. Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ vay của hãng giảm đáng kể 25% xuống còn 20.483 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn 58.064 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nợ vay dài hạn ở mức 6.172 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng, Vietnam Airlines vẫn đang đối diện với thách thức từ khoản lỗ lũy kế. Đến cuối năm 2024, con số này vẫn hơn 33.600 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 9.345 tỷ đồng.
Năm 2024, Chính phủ và Quốc hội cũng đã phê duyệt những giải pháp cuối cùng trong đề án tái cơ cấu tổng thể của Vietnam Airlines. Phương án được thông qua cho phép hãng chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng, thực hiện theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, SCIC sẽ thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu trị giá 9.000 tỷ đồng. Tiếp theo, giai đoạn 2 sẽ có quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt khách và 336.300 tấn hàng hóa, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 119.154 tỷ đồng. Hãng cũng cho biết sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tiền đề để thực hiện siêu dự án 3,69 tỷ USD
Với khoản lãi kỷ lục, Vietnam Airlines cũng đang đề xuất dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp với tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng. Số tiền này tương đương 160% tổng tài sản của hãng hàng không gia quốc, căn cứ báo tài chính đến hết năm 2024.
.png)
Vietnam Airlines muốn đầu tư 93.000 tỷ mua 50 tàu thân hẹp. (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines thuộc dòng tàu bay A320NEO hoặc B737MAX và 10 động cơ dự phòng, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,697 tỷ USD, tương đương 92.810 tỷ đồng.
Vietnam Airlines dự kiến thực hiện bán và thuê lại (Sale and Leaseback) 25 tàu đầu tiên nhận trong giai đoạn 2028 - 2030 và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua tàu bay đối với 25 tàu còn lại nhận trong giai đoạn 2030 - 2031. Cấu trúc này sẽ giúp Vietnam Airlines giảm đáng kể áp lực về mặt dòng tiền.
Phía Vietnam Airlines đánh giá dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có vai trò quan trọng, giúp đơn vị này đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra với vai trò là hãng hàng không quốc gia trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
Liên quan vấn đề này, trong văn bản gửi Vietnam Airlines mới đây, Bộ Tài chính cho rằng đây là dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước đang nắm 86,34% vốn điều lệ của Vietnam Airlines). Do đó thực hiện đầu tư dự án theo cả quy định tại luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 110/2011/NĐ-CP.
Dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng (lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo báo cáo tài chính quý 4/2024), thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Vietnam Airlines báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến về chủ trương thực hiện dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện.
Nếu được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Vietnam Airlines mới thực hiện được thủ tục triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước.
Năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 tàu, thân hẹp 95 và 5 ATR. Dự kiến đến năm 2035, hãng dự kiến cần 52 tàu thân rộng, 112 tàu thân hẹp. Hiện tại, đội bay của hãng hàng không quốc gia có khoảng 100 chiếc, trong đó có hơn 30 máy bay thân rộng.
Linh Lang-Link gốc