Mặc dù căng thẳng thương mại mở ra một số cơ hội về dịch chuyển chuỗi cung ứng, song các doanh nghiệp miền Trung vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn mang tính nội tại và hệ thống.

Các sản phẩm lốp xe tải chuẩn bị xuất xưởng tại Nhà máy DRC
. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm - TTXVN
Căng thẳng thương mại toàn cầu không chỉ là thách thức, mà còn là phép thử cho bản lĩnh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng. Mặc dù căng thẳng thương mại mở ra một số cơ hội về dịch chuyển chuỗi cung ứng, song các doanh nghiệp miền Trung vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn mang tính nội tại và hệ thống.
Trước hết, nhiều dự án hạ tầng và công nghiệp quan trọng tại miền Trung bị chậm tiến độ hoặc đình trệ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế đầu tư hoặc thay đổi chính sách. Tình trạng này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại khu vực – vốn đã thua thiệt hơn so với hai đầu đất nước.
Thứ hai, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua chủ yếu diễn ra theo chiều hướng "tự thân vận động" ở từng địa phương, thiếu tính điều phối vùng, dẫn đến mất cân đối trong phân bổ nguồn lực. Khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa do xuất khẩu sang Mỹ - Trung gặp rào cản và hiện tượng dư cung ở một số ngành đã xuất hiện, gây sức ép lên các doanh nghiệp Việt vốn đang nỗ lực cạnh tranh tại sân nhà. Điển hình như ngành sản xuất lốp xe.
Ông Hà Phước Lộc – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, theo khảo sát của công ty vào năm 2024, trong khi tại thị trường Việt Nam tổng nhu cầu lốp Radial là gần 2 triệu lốp thì chúng ta đang thu hút được 5 doanh nghiệp FDI sản xuất lốp Radial với năng suất 12 triệu lốp/năm. Chưa tính đến trong nước hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất lốp xe là DRC
và Casumina đã đáp ứng được hơn 75% lượng lốp Radial nội địa.
Cùng đó, tâm lý tiêu dùng nội địa vẫn còn là rào cản lớn. Dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, xuất khẩu thành công ra nhiều nước, nhưng lại khó chinh phục thị trường trong nước. Thói quen ưa chuộng hàng ngoại khiến các doanh nghiệp nội gặp khó khăn trong việc tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp FDI ngay tại sân nhà.
Dù khu vực miền Trung chưa phải là điểm đến ưu tiên số 1, nhưng xu hướng “rẽ nhánh” đang xuất hiện. Năm 2023, Khu công nghiệp Nam Hội An (Quảng Nam) đón nhận dự án 100 triệu USD từ nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực thiết bị điện tử. Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng) đang chào đón một loạt doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu muốn sản xuất thiết bị y tế, linh kiện ô tô.
Cuối năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn KP Aerospace Việt Nam (thuộc Tập đoàn KP Aero Industries, Hàn Quốc) đã khánh thành Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, chuyên cung ứng linh kiện cho các dòng máy bay Boeing 787 và 737 MAX. Đây là dấu hiệu cho thấy khu vực miền Trung có thể trở thành “vệ tinh” trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.
Nếu Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm công nghệ - dịch vụ quốc tế, thì các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi có thể đóng vai trò cung ứng nhân lực, vật liệu, logistics và hạ tầng phụ trợ. Như khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam) đã đón một số dự án liên kết với Đà Nẵng trong lĩnh vực thiết bị y tế và phụ kiện điện tử.
Còn riêng đối với các doanh nghiệp Mỹ, tháng 10/2024, đại diện Tập đoàn SpaceX đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về kế hoạch cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại miền Trung. Đây là công nghệ then chốt giúp các khu vực ven biển, vùng núi, đảo xa được tiếp cận Internet tốc độ cao – điều đặc biệt quan trọng đối với logistics, dịch vụ hàng không, du lịch và startup công nghệ. Đây không chỉ là dự án công nghệ viễn thông, mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị, nhân lực, hạ tầng số hóa.
Theo ông Christopher Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam; trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng quan trọng như máy tính, đồ gia dụng, phần mềm … để cung cấp cho thị trường Mỹ. Nếu mức thuế quan xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng lên sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cho phép hàng hóa Việt Nam vào các thị trường lớn khác với thuế suất 0%. Doanh nghiệp miền Trung, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ và chất lượng, có thể tiếp cận thị trường EU, Nhật Bản, Canada. Một số doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) đã mở rộng thị trường sang châu Âu và đạt kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD/năm nhờ tận dụng ưu đãi từ EVFTA.
Trong bối cảnh dòng vốn, công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc, nếu biết nắm bắt thời cơ, tăng cường liên kết vùng, đầu tư cho hạ tầng và nhân lực, doanh nghiệp miền Trung hoàn toàn có thể vươn lên thành điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư quốc tế.
Xuân Quý-Link gốc