Những diễn biến mới liên quan đến cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gia tăng và gây áp lực lên thị trường vàng.

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuần qua, thị trường vàng thế giới biến động mạnh với xu hướng giảm là chủ đạo. Những diễn biến mới liên quan đến cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gia tăng và gây áp lực lên thị trường vàng.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 16/5), giá vàng thế giới giảm hơn 2% và hướng tới tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2024. Vào lúc 0 giờ 50 phút ngày 17/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 3.188,25 USD/ounce, ghi nhận mức giảm 4,1% trong cả tuần. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ chốt phiên cũng giảm 1,2% xuống còn 3.187,2 USD/ounce.
Nguyên nhân chính khiến giá vàng lao dốc là do tâm lý lạc quan trở lại của giới đầu tư sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận "đình chiến". Hai nước đã đồng ý giảm mạnh mức thuế nhập khẩu trong vòng 90 ngày, với thuế của Mỹ giảm từ 145% xuống 30% và thuế quan Trung Quốc áp với hàng hoá của Mỹ giảm từ 125% xuống 10%.
Theo ông Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, làn sóng chốt lời đã diễn ra suốt tuần qua trong bối cảnh tâm lý chuộng tài sản rủi ro gia tăng, khiến vàng chịu áp lực giảm lớn.
Trong tuần này, giá vàng chứng kiến nhiều phiên giảm sâu. Ngày 12/5, ngay sau khi bước tiến mới trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung được công bố, giá vàng giao ngay lao dốc 3% xuống 3.225,28 USD/ounce, giá vàng kỳ hạn cũng giảm 3,5% xuống còn 3.228 USD/ounce. Đây là phản ứng tức thì của thị trường trước thông tin hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "đình chiến", làm lu mờ vai trò "trú ẩn an toàn" của vàng.
Phiên 13/5, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự báo, giá vàng phục hồi nhẹ nhờ lực mua bắt đáy. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4/2025 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn mức dự báo 0,3%, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới.
Tới phiên 14/5, giá vàng lại giảm mạnh hơn 2%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/4, còn 3.181,62 USD/ounce, do nhà đầu tư tiếp tục bán ra khi tâm lý lạc quan về thương mại gia tăng.
Ngày 15/5, thị trường vàng có một đợt phục hồi đáng kể. Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 3.218,89 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn tăng 1,2% lên 3.226,6 USD/ounce sau khi Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ tháng Tư thấp hơn dự kiến. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự đàm phán hòa bình với Ukraine cũng góp phần hỗ trợ giá vàng.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng vẫn tăng hơn 21%, từng chạm đỉnh kỷ lục 3.500,05 USD/ounce vào tháng trước do lo ngại về suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị và dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng.
Dù xu hướng ngắn hạn của thị trường vàng đang nghiêng về điều chỉnh giảm, giới phân tích cho rằng các yếu tố hỗ trợ như khả năng Fed cắt giảm lãi suất và bất ổn địa chính trị vẫn có thể giữ giá vàng ở mức cao trong trung hạn.
Minh Trang-Link gốc