Tóm tắt:
|
Chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị đối với Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi như sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật quản lý nợ công với Luật ngân sách nhà nước (ban hành vào năm 2015, có hiệu lực bắt đầu từ năm 2017) và Luật đầu tư công (ban hành vào năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015), bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ của luật này với Luật Doanh nghiệp (trong đó bao gồm các DNNN) và Luật Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, cần cải thiện việc thống kê, quản lý và công bố thông tin về nợ công theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, tính hệ thống, đầy đủ, tính trung thực, khách quan, chính xác và tính cập nhật. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về biểu mẫu báo cáo thống kê nợ công, thời hạn công bố thông tin và mức độ cập nhật của số liệu công bố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý và đánh giá về tình hình nợ công.
Thứ ba, về phạm vi nợ công, phạm vi hạch toán nợ công trong Luật hiện hành cũng như trong Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) không nhất thiết phải điều chỉnh. Song, cần có cơ chế tăng cường theo dõi, giám sát, quản lý, đánh giá và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn của các khoản nợ tự vay tự trả của các DNNN (cả tiền kiểm và hậu kiểm); hạn chế tối đa tình trạng ngân sách phải trả nợ thay cho các DNNN bị phá sản, đồng thời quy định chặt chẽ hơn việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho các doanh nghiệp
Thứ tư, về tính toán các chỉ tiêu an toàn về nợ công, do các chỉ tiêu về nợ trên GDP phụ thuộc nhiều vào thống kê về GDP dẫn đến những khó khăn trong công tác đánh giá, cần tăng cường tính công khai và cập nhật của các chỉ tiêu nợ công tính toán dựa trên tổng thu ngân sách, dự trữ ngoại hối.
Thứ năm, cần bổ sung và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nội dung báo cáo của Chiến lược nợ, Kế hoạch vay, trả nợ 05 năm, Chương trình quản lý nợ trung hạn 03 năm và Kế hoạch vay nợ hàng năm.
Thứ sáu, thông lệ tốt trên thế giới cho thấy khuôn khổ pháp lý nên quy định thẩm quyền quản lý nợ chỉ thuộc về một cơ quan, thường là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhằm tình trạng phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ.
Cuối cùng, đối với quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ, cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình hình ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản DNNN tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.
|