Kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng GDP về đích ngoạn mục trong năm 2017 nhờ sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với động lực đến từ các doanh nghiệp FDI. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ ở mức 6,7-7%.
Chỉ số CPI bình quân cả năm 2017 đạt mức tăng 3,53%, chủ yếu do tác động của việc tăng giá y tế và giáo dục. Rủi ro tiềm ẩn đối với chỉ số lạm phát chung trong năm 2018 sẽ đến từ xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, điển hình nhất là giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu. Dự báo lạm phát trung bình năm 2018 sẽ ở mức 3-3,5%.
Tỷ giá có một năm bình lặng nhờ cung ngoại tệ trong nước dồi dào và diễn biến giảm của đồng USD trên thị trường thế giới. Với dự báo các yếu tố thuận lợi sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018, chúng tôi chưa thấy nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong năm nay.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, sự thận trọng có thể vẫn còn trong năm 2018 nhưng mức độ nới lỏng nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì với tổng phương tiện thanh toán M2 và tín dụng sẽ có mức tăng tương đương với năm 2017. Trong kịch bản tích cực, nếu lạm phát trung bình năm 2018 có mức tăng thấp hơn dự báo thì sẽ có cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, qua đó giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm nhưng mức độ sẽ không lớn.
TThị trường chứng khoán
TTCK Việt Nam trải qua năm 2017 với mức tăng trưởng ngoạn mục cả về điểm số lẫn giá trị giao dịch.
Khối ngoại có năm mua ròng kỷ lục trên TTCK Việt Nam trong năm 2017, đóng góp lớn vào mức tăng của chỉ số Vnindex.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực với tăng trưởng ở cả doanh thu, lợi nhuận ở toàn bộ 10 ngành được quan sát.
Các yếu tố chính hỗ trợ TTCK trong năm 2018 là chuyển biến tích cực của nền kinh tế, hoạt động SXKD các doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, định hướng nới lỏng tiền tệ của NHNN, sự sôi động trong hoạt động IPO, lên sàn niêm yết mới, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường của MSCI.
|