Tóm tắt:
|
Triển vọng ngành Dược phẩm 2018 được đánh giá Tích cực, dựa trên cơ sở:
(1) Tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Đối với một nước có dân số trẻ, đang phát triển, môi trường nhiều ô nhiễm dẫn đến các loại bệnh tật gia tăng như Việt Nam thì ngành dược được đánh giá có triển vọng khá tích cực trong trung và dài hạn. Doanh thu toàn thị trường được dự báo tăng trưởng đều 6-7%/năm trong ba năm tới, và có thể đạt mức hơn 7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân dự kiến có mức tăng trưởng 12%/năm, đạt khoảng 18 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018. Cùng với đó, chi phí thuốc bình quân/đầu người của Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 đô la Mỹ/người/năm; thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines (45 đô la Mỹ/người/năm); Thái Lan (60 đô la Mỹ/người/năm); Trung Quốc (64 đô la Mỹ/người/năm); Malaysia (66 đô la Mỹ/người/năm).
(2) Luật Dược sửa đổi được đánh giá sẽ trở thành đòn bẩy cho sản xuất nội địa. Luật Dược sửa đổi bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2017, mang đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dược, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà máy đạt chuẩn PIC/S và GMP-EU khi các điều khoản đều theo hướng tạo điều kiện phát triển thuốc nội địa, nhất là trong bối cảnh thuốc sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu tiêu thụ.
(3) M&A ngành dược sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang (DHG), Traphaco (TRA), Domesco (DMC), Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp dược dự kiến sẽ nới room ngoại lên 100% cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua M&A, thay vì phải tốn nhiều tiền bạc và thời gian để xin giấy phép đầu tư và đầu tư dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
|