Tóm tắt:
|
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục trong tháng 5, khi số ca nhiễm Covid đã giảm đáng kể và người dân đã quay trở lại trạng thái bình thường mới hoàn toàn. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng hai chữ số tháng thứ 2 liên tiếp với sản lượng hồi phục trong tháng 5 ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, dòng vốn FDI vẫn khả quan. Tuy vậy, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, dòng vốn FDI đăng ký tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái và vốn đầu tư công giải ngân chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
CPI tiếp tục gia tăng trong tháng 5 (tăng 2,86% YoY) khi giá lương thực, thực phẩm, giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục gia tăng, giá xăng dầu tăng theo giá xăng dầu thế giới; trong đó, CPI của nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch và Ăn uống ngoài gia đình giữ mức tăng trong tháng 5, nhờ vào nhu cầu du lịch vẫn tiếp tục hồi phục và việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Chúng tôi tin rằng nội tại nền kinh tế vẫn kì vọng được hỗ trợ bởi các động lực chính, bao gồm: 1) Tiêu dùng kì vọng hồi phục; 2) xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục; 3) dòng vốn FDI đăng ký kì vọng hồi phục nhờ chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát đầu tư và làm các thủ tục đầu tư; 4) đầu tư công được chú trọng.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro chính như: 1) gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu; 2) rủi ro lạm phát đang gia tăng.
|