Báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB) cho thấy những số liệu rất khả quan. Tuy nhiên, mức giá hiện tại của VCB được đánh giá là không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Mức giá không còn hấp dẫn
Việc VCB tăng giá gần đây có thể được cho là do sức hút từ các yếu tố hoạt động cơ bản của ngân hàng như nguồn thu nhập đa dạng, hiệu quả hoạt động cao và tích cực trích lập dự phòng… Ngoài ra, còn do kỳ vọng, cũng như dòng tiền đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ ETF.
Cổ phiếu VCB chiếm khoảng 11% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán, khoảng 9,2% trong quỹ đầu tư ETF Market Vectors Vietnam và khoảng 10% trong quỹ FTSE Vietnam ETF.
Hiện VCB được giao dịch quanh mức 52.500 đồng/cổ. Tương đương, P/B của cổ phiếu này là 3,1 lần và P/E là 34 lần. Năm 2016, P/B của VCB được dự báo khoảng 3 lần, cao hơn so với bình quân của các ngân hàng niêm yết trên thị trường, là 1,6 lần.
Mức giá hiện tại của VCB có mức P/B gần giống năm 2009, khi ngân hàng có tỷ lệ ROAE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân) ở mức cao, khoảng 26%. Như vậy, tỷ lệ này cao hơn so với ROE dự đoán cho năm 2015 và 2016 tương ứng là 11% và 14%.
Do đó, Bộ phận phân tích ctck Sài Gòn (SSI Research) khongkhuyến nghị MUA (BUY) cổ phiếu VCB ở mức giá hiện tại.
Lợi nhuận tăng trưởng khá, trích lập dự phòng tích cực
Kết quả kinh doanh sơ bộ của VCB đã được thông báo, với lợi nhuận tăng trưởng khá cùng với việc duy trì tích cực trích lập dự phòng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của VCB đạt 3.040 tỷ đồng, cao hơn mức 2.778 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Chi phí trích lập dự phòng tăng khoàng 25% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) lên 3.000 tỷ đồng. Theo dự báo của VCB, tổng chi phí trích lập dự phòng năm 2015 có thể đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 20,5% YoY.
Dư nợ cho vay của VCB trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6,7% tính từ đầu năm (YTD), thấp hơn so với kế hoạch nhưng cao hơn so với mức bình quân toàn ngành là 6,3% (YTD).
Tăng trưởng cho vay cá nhân đạt khoảng 11,7% YTD, cao hơn mức tăng trưởng cho vay đối với doanh nghiệp lớn (4,7% YTD) và đối với các doanh nghiệp nhỏ (9,2% YTD).
Tỷ trọng cho vay trung và dài hạn ước tính sẽ gia tăng do việc phân bổ đầu tư thêm cho các dự án cơ sở hạ tầng, nông nghiệp hay cho vay mua nhà để ở. Tỷ lệ tiền gửi của VCB tăng 7,7% YTD, cao hơn đáng kể so với mức bình quân toàn ngành là 4,6% YTD bất chấp mức lãi suất huy động giảm.
Tỷ lệ nợ xấu của VCB đã tăng từ mức 2,31% năm 2014 lên 2,43% trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, ngân hàng đã thu về lại được 1.012 tỷ đồng từ việc xử lý nợ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 6 tháng đầu năm của VCB cũng ở mức tốt là khoảng 11,2%.
Kết quả kiểm toán báo cáo hoạt động kinh doanh của VCB vẫn chưa được công bố, nhưng được dự đoán là sẽ có không nhiều khác biệt so với kết quả sơ bộ.
Dự báo tăng trưởng mạnh bất chấp cạnh tranh khốc liệt
Trong năm 2015, lợi nhuận trước thuế của VCB được ước tính là 6.307 tỷ đồng, tăng 7,3% YoY. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng cho vay (tăng 18% YoY) và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ở mức ổn định (2,3%) bất chấp việc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Tổng chi phí trích lập dự phòng năm 2015 của VCB có thể tăng từ mức mục tiêu 5.500 tỷ đồng lên 5.884 tỷ đồng, tương đương 1,5% tổng dư nợ.
Ngân hàng VCB được dự đoán sẽ xử lý khoảng 1% nợ xấu trong năm 2015, cao hơn mức 0,9% năm trước. Đồng thời VCB được dự kiến sẽ bán lại khoản nợ xấu trị giá 1.000 tỷ đồng, tương đương 0,3% dư nợ cho vay, cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể giảm xuống khoảng 2,2% vào cuối năm nay.
Theo SSI Research, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của VCB ước tính sẽ tăng 32,6% YoY. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập ròng từ lãi (NII) tăng mạnh 23,5% YoY và tăng chi phí trích lập dự phòng giảm từ 29% YoY năm 2015 xuống 6,2% YoY năm 2016.
Tin tức tốt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2015 của 18 ngân hàng. Trong đó, ngân hàng VCB được tăng từ 13-15% lên 16%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2015 có thể được tăng lên 16-17%.
Một lưu ý khác, NHNN cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình nợ xấu trong nền kinh tế. nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% trước cuối quý III/2015.
Các ngân hàng sẽ không được cấp phép mở rộng mạng lưới kinh doanh (chi nhánh mới, văn phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, mảng kinh doanh mới) cho đến khi hoàn thành kế hoạch giải quyết nợ xấu và đưa tỷ lệ này xuống dưới 3% trước ngày 1/10.
Thông báo này được đưa ra sau khi tiến độ giải quyết nợ xấu 6 tháng đầu năm 2015 chậm hơn so với kế hoạch, như khối lượng nợ xấu của ngân hàng được yêu cầu bán cho VAMC không đạt chỉ tiêu.
Hoàng Nam
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.