Liên tục mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường với các siêu thị điện máy, đại siêu thị điện máy trên toàn quốc, doanh thu của CTCP thế giới số Trần Anh lên đến hàng nghìn tỷ. Nhưng lợi nhuận đem về cho các chủ đầu tư vẫn chỉ dừng ở mức “bèo bọt” vài tỷ đồng mỗi quý.
“Bán thân” cho đối tác ngoại
Thị trường điện máy vài năm trở lại đây ngoài những chiêu câu khách như siêu giảm giá, khuyến mại, “mua 1 tặng 2”,… thì hầu hết các doanh nghiệp đều đang loay hoay tìm lối đi cho riêng mình.
Những cái tên từng "làm mưa làm gió" trên thị trường điện máy một thời như WonderBuy, HomeOne, Việt Long, Best Carings lần lượt phải rời khỏi "sân chơi" chỉ sau vài năm kinh doanh.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2015, Topcare, một thương hiệu bán lẻ lớn tại Hà Nội cũng đột ngột "khai tử", sau 6 năm hoạt động mà chưa có thông tin chính thức nào từ chủ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc bán cổ phần về tay đối tác ngoại cũng là một trong những bước đi cần thiết để lấy vốn mở rộng việc sản xuất kinh doanh.
Hồi đầu tháng 6/2015, Aureos South East Asia Fund, L.L.C (quỹ Aureos) - cổ đông ngoại của CTCP Điện máy Trần Anh công bố chuyển nhượng toàn bộ hơn 3,7 triệu cổ phần TAG (tỷ lệ 20,86%) của CTCP Điện máy Trần Anh cho tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản Nojima.
Như vậy, sau giao dịch này, Nojima đã nắm tới 30,92% vốn điều lệ của TAG, chính thức trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của công ty điện máy này.
Cùng với việc nâng tỷ lệ sở hữu, Nojima cũng có hai nhân sự trong Hội đồng quản trị của Trần Anh là ông Noguchi Atsushi và ông Yoshiteru.
Hai thành viên này mới được bầu vào Hội đồng quản trị của Trần Anh tại đại hội đồng cổ đông hồi tháng Tư vừa qua.
Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận đáng bao?
Bên cạnh đó, Trần Anh cũng thực hiện chiến lược mở rộng quy mô nhằm mục đích cạnh tranh thị phần với các ông lớn ngành điện máy như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Chợ Lớn….
Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của các siêu thị điện máy đến đâu lại là một vấn đề đáng bàn khi doanh thu của “ông lớn” điện máy này luôn có mức tăng trưởng khá đều đặn, nhưng lợi nhuận đem về vẫn khá “bèo bọt” so với quy mô hoạt động của TAG.
Riêng trong quý II/2015, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trần Anh đạt 823 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng giá vốn hàng bán, các chi phí liên quan như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã chiếm gần như toàn bộ doanh thu. Khoản lợi nhuận thu được sau thuế còn vỏn vẹn 6,7 tỷ đồng.
Đây vẫn được coi là thành công vượt trội của Trần Anh khi tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận đạt gấp 3 so với quý II/2014 do các siêu thị điện máy mới mở cửa cuối năm 2014 bắt đầu đi vào hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, “vùng trũng” lợi nhuận của Trần Anh lại bắt đầu vào quý 3 hàng năm. Năm 2013, TAG lỗ 11,417 tỷ đồng riêng trong quý III, sang năm 2014, khoản lỗ giảm xuống còn 8,43 tỷ đồng.
Mới đây, Trần Anh đưa vào vận hành “đại siêu thị điện máy” với diện tích lên tới 4.800 m2, khác hẳn với những siêu thị điện máy diện tích từ 1.500 - 2.000 m2 hiện có của đơn vị này.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, “đại siêu thị điện máy” đầu tiên tại 18 Phạm Hùng, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là bước đi đầu tiên của công ty trong lộ trình phát triển 5 - 10 năm tới.
Theo đó, Trần Anh sẽ thay đổi dần quy mô hệ thống siêu thị từ nhỏ sang lớn, từ những siêu thị điện máy có diện tích trên dưới 1.500 m2 sang quy mô gấp 3- 4 lần siêu thị cũ (khoảng 4.000 - 6.000 m2).
So với định hướng chiến lược dài hạn của Trần Anh, việc chấp nhận khoản lỗ trong thời gian ngắn có thể coi là nước cờ “lùi một bước, tiến ba bước”.
Hoa Liên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.