“Chúng tôi khát vọng xây dựng được xe ô tô thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên toàn thế giới, đồng thời góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước để có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam”, văn bản của VINFAST – doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư tổ hợp sản xuất hướng tới sản lượng 500.000 xe ô tô/năm – nhấn mạnh.
Theo VINFAST, hiện nay, nền công nghiệp ô tô thế giới do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và chi phối, trong đó các tập đoàn hàng đầu chiếm trên 80% thị trường ô tô toàn cầu. Chuỗi giá trị toàn cầu ô tô hiện nay được tổ chức rất chặt chẽ, với một số ít thành viên dẫn dắt là các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò đầu mối trong việc đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức hậu cần vận chuyển, thực hiện marketing, đẩy mạnh tiêu thụ và dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng.
“Họ kiểm soát mặt hàng được sản xuất, nơi sản xuất, số lượng, giá cả và quy trình”, lãnh đạo VINFAST nhìn nhận.
VINFAST cho hay các tập đoàn này có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể cho sản xuất và nhập khẩu tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các tập đoàn cũng thường hợp tác, sở hữu chéo để tận dụng công nghệ, thị trường và nhà cung cấp nhằm giảm giá thành sản phẩm, qua đó duy trì được sự ổn định cạnh tranh lẫn nhau và khống chế được sự phát triển của đối thủ cạnh tranh mới.
Theo cam kết trong ASEAN, từ năm 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc (đạt hàm lượng giá trị khu vực từ 40% trở lên) về 0%. Việc hàng rào thuế nhập khẩu giảm về 0% từ ngày 1/1/2018 dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường xe ô tô Việt Nam. Có thể thấy theo xu hướng hiện nay, có khả năng các tập đoàn đang gia tăng sản lượng xe sản xuất tại Thái Lan và Indonesia để xuất khẩu sang Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ ASEAN sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với giá rất cạnh tranh. Sự chiếm lĩnh của các sản phẩm CBU từ ASEAN dẫn đến các sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước càng bị thu hẹp; đồng thời gây khó khăn lớn cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành ô tô trong nước, ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.
“Nếu không phát triển được ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì xe nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh thị trường, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô”, phía VINFAST đánh giá.
VINFAST cùng các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn khác cho biết họ nhận thấy nguy cơ rất lớn đối với ngành sản xuất ô tô Việt Nam, cùng với các ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung nếu ô tô sản xuất trong nước không cạnh tranh được với các sản phẩm CBU nhập khẩu.
“Do đó rất cần thiết phải có giải pháp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước. Trong đó, các biện pháp về Thuế thường có tác dụng điều tiết nhanh, hiệu quả nên có thể xem xét cho áp dụng ngay”, VINFAST đề xuất.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu. VINFAST cho rằng đây là thời điểm và cơ hội để các nhà chức trách Việt Nam xây dựng, tạo ra môi trường, hành lang thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước có điều kiện phát triển.
“Do đó, VINFAST kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, giúp kiến nghị tới Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Chính phủ trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật Thuế xem xét trình Quốc hội ban hành Luật, trong đó có nội dung về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”, phía VINFAST nhấn mạnh.
Phương án tính Thuế tiêu thụ đặc biệt như trên nếu được áp dụng, theo VINFAST, sẽ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước, qua đó thúc đẩy phát triển ngành sản xuất ô tô Việt Nam và công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.