Nợ nần vốn là nỗi lo dai dẳng của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF). Tại thời điểm đầu năm 2016, công ty có khoản nợ vay ngắn hạn 2.637 tỷ đồng, chiếm 73% tổng nguồn vốn, gồm hai khoản lớn là 933,7 tỷ vay ngân hàng và 1.367,7 tỷ vay các bên liên quan.
Đối với khoản vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của TTF là Ngân hàng Việt Á với con số hơn 730 tỷ đồng. Mức lãi suất của tất cả các khoản vay ngân hàng này dao động từ 10,25% đến 11% đối với khoản vay bằng VNĐ, từ 5% đến 6,9% đối với khoản vay bằng USD. Mặt khác, các khoản vay ngân hàng quá hạn nhưng chưa thanh toán tính đến cuối năm 2016 lên đến 810 tỷ đồng.
Còn khoản vay các bên liên quan chủ yếu là Tân Liên Phát – công ty con của Tập đoàn Vingroup. Đây là khoản vay chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông mà Tân Liên Phát kế thừa từ CTCP Đầu tư Xây dựng Đại An trị giá 603,5 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm và 598,4 tỷ ký kết trực tiếp với nhóm công ty TTF lãi suất 10%/năm 3 tháng đầu tiên, các tháng tiếp theo bằng lãi suất huy động tiền gửi cá nhân cộng biên độ 5%/năm.
Có thể thấy các khoản vay của TTF đều có lãi suất rất cao và chính nó đã ngốn hàng tỷ đồng lợi nhuận mỗi quý. Tuy nhiên, trong năm 2017, TTF đã lần lượt tái cơ cấu khoản vay này. Tính đến 31/12/2017, công ty chỉ còn 396 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn lãi suất cao trong khi nợ vay dài hạn tăng thêm 500 tỷ đồng và người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.220,8 tỷ đồng. Cụ thể, TTF đã chuyển khoản vay chuyển đổi với Tân Liên Phát thành khoản người mua trả tiền trước 1.162 tỷ của Tập đoàn Vingroup. Vào giữa tháng 5/2017, TTF ký với Vingroup thỏa thuận nguyên tắc về chỉ định nhà cung cấp chiến lược trị giá 16.000 tỷ đồng và khoản tiền trên chính là khoản cọc của Vingroup.
Đồng thời, công ty đã trả nợ Ngân hàng Việt Á từ 730 tỷ xuống 252 tỷ đồng cùng các ngân hàng khác. Hiện ngoài nợ Việt Á 252 tỷ đồng, nợ Đông Á 124,3 tỷ chính là khoản lớn nhất. Nguồn tiền TTF dùng trả nợ đến từ việc tăng vốn thành công thêm 700 tỷ thực hiện vào cuối tháng 12/2017. Mặc dù theo kế hoạch TTF tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng nhưng tỷ lệ thành công chỉ 70% cũng giúp giải quyết phần nào vấn đề nợ nần.
Như vậy, TTF đã coi như tạm xong việc cơ cấu nợ vay, trả bớt các khoản nợ ngắn hạn lãi suất cao thành khoản trả trước của người bán và khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải và cũng dai dẳng không kém chính là hàng tồn kho. Tại thời điểm cuối năm 2017, TTF có hàng tồn kho trị giá 1.638,3 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm bao gồm 982,8 tỷ nguyên liệu, vật liệu và 542,3 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Theo ban lãnh đạo TTF tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, hàng tồn kho chủ yếu là gỗ tồn lâu năm không phù hợp để sản xuất kinh doanh. Do vậy, công ty sẽ cần phải thanh lý và có khả năng bị lỗ.
Chia sẻ thẳng thắn tại đại hội, ông Mai Hữu Tín – Tổng giám đốc TTF cho biết sẽ giải quyết vấn đề hàng tồn kho ngay đầu năm 2018 để “đau một lần nữa rồi thôi”. Và ông Tín cũng cho biết năm 2018 có thể lỗ lớn, nguyên nhân không thanh lý hàng tồn kho ngay trong năm 2017 là để tránh việc cổ phiếu công ty bị hủy niêm yết do thua lỗ.
Ngay khi tiếp nhận và đầu tư vào TTF, nhóm cổ đông mới cùng ban lãnh đạo mới của TTF đã xác định hai vấn đề cần giải quyết sớm là "sạch nợ và sạch hàng tồn kho". Như vậy, kết thúc năm 2017, ban lãnh đạo TTF phần nào đã giải quyết xong bài toán nợ nần và tồn kho chính là đích đến tiếp theo.
Để hồi sinh công ty bên bờ vực hủy niêm yết và nợ nần, ngoài phương án tăng vốn và hợp tác với Vingroup thì ban lãnh đạo còn đưa ra giải pháp khai thác mảng rừng và minh bạch thông tin hơn. Cụ thể, TTF đang có trên 88,6 triệu m2 rừng đã trồng từ nhiều năm trước, một số rừng đã đến giai đoạn khai thác, ban lãnh đạo đang cân nhắc phương án khai thác hoặc bán mảng rừng để tăng cường khả năng tài chính. Đồng thời, công ty khởi động dự án triển khai và ứng dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp SAP nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý và minh bạch TTF.
Quý vừa qua, kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc với 606,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 131% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 22,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 145 tỷ. Nhờ đó, lũy kế cả năm, doanh thu thuần TTF tăng hơn gấp đôi lên 1.363 tỷ đồng, lãi gộp 301 tỷ đồng và lãi ròng 26,4 tỷ đồng, EPS đạt 146 đồng.
Trên thị trường chứng khoán, một tháng qua cổ phiếu TTF giao dịch khá tích cực khi giá tăng từ 7.000 đồng/cp lên 8.240 đồng/cp cùng khối lượng gia tăng đột biến, đặc biệt là phiên 30/1 thanh khoản đạt 8 triệu đơn vị. Tuy nhiên, phiên 31/1, cổ phiếu đã giảm xuống 7.700 đồng/cp.
NGỌC ĐIỂM
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.