Theo báo cáo phân tích Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank, mã HDB-HoSE), bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn cho rằng ngân hàng này có nhiều động lực tăng trưởng trong vài năm tới, đến từ cả ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng.
Năm 2017, HDBank thu về 2.147 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp đôi năm 2016. Kết quả này phần lớn nhờ vào cho vay tăng trưởng mạnh, tỷ lệ chi phí/thu nhập giảm, và chi phí trích lập dự phòng không đổi. Thu nhập lãi ròng (NII) đạt mức tăng trưởng 36,27% so với cùng kỳ, nhờ dư nợ cho vay tăng trưởng mạnh 27,09%, Hệ số thu nhập lãi thuần gần như không đổi so với năm 2016 (4,1% năm 2017 so với 4,08% năm 2016).
Theo ước tính của SSI Research, hệ số thu nhập lãi thuần (NIM) của riêng ngân hàng mẹ HDBank tăng 16 điểm phần trăm từ mức 2,28% trong năm 2016 lên mức 2,44% trong năm 2017, do ngân hàng mẹ có thể nâng lãi suất cho vay và các khoản huy động có mức lãi suất thấp hơn. Tỷ lệ CIR giảm xuống mức 54,39% trong năm 2017, từ mức 60,48% trong năm 2016. Chi phí trích lập dự phòng đạt 1.017 tỷ đồng (2,33% YoY). Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2017 đạt 795 tỷ đồng (+11% YoY), so với mức 716 tỷ đồng trong năm 2016. Kết quả này là do tỷ lệ nợ xấu tăng 4 bps. Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2017 là 1,52%, so với 1,46% trong năm 2016.
Khoản vay cá nhân và doanh nghiệp SME sẽ tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng dư nợ tín dụng của HDBank. Đây cũng vốn là các mảng cạnh tranh chính của ngân hàng từ năm 2008.
Ban lãnh đạo đã tái khẳng định duy trì chiến lược cho vay tập trung vào 2 mảng sản phẩm theo vị trí địa lý. Cụ thể, HDBank sẽ đáp ứng nhu cầu cho vay mua nhà, ô tô, và kinh doanh hộ gia đình tại các thành phố lớn. Thứ hai, HDBank sẽ áp dụng cho vay nông nghiệp tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, do ban lãnh đạo nhận thấy nhu cầu vay vốn cũng như cạnh tranh thấp tại khu vực này.
Hệ sinh thái với Vietjet cũng được bộ phận phân tích của SSI dự báo mang lại thêm khách hàng và các khoản cho vay. "Việc thực hiện chiến lược kết nối cơ sở khách hàng của Vietjet bắt đầu từ năm 2018, sẽ đem lại lợi nhuận cho HDBank nếu thành công", CTCK này nhận định.
Đánh giá về "con gà đẻ trứng vàng" của HDBank, SSI nhận định thời gian qua HD Saison đã chứng tỏ tiềm năng lợi nhuận lớn với tăng trưởng tín dụng cao, và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt.
ROAE của HDBank do đó được dự báo ở mức 20% vào năm 2018 và là lý do giải thích việc ngân hàng xứng đáng có định giá cao, điều này là nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trở thành hiện thực từ việc phát triển khách hàng thành công.
Với phương pháp định giá từng phẩn (SOTP), bộ phận phân tích của SSI cho rằng P/B hợp nhất dự phóng ở mức 2,5x, tương đương mức giá 50.000 đồng/cp. Trong đó, P/B của ngân hàng mẹ HDBank là 2,5x và PB của HDSaison là 4,5x.
THANH THỦY
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.