Giá cổ phiếu đi ngược xu hướng
Từ đầu tháng 4 đến nay chỉ số VNIndex đã giảm điểm mạnh từ vùng đỉnh 1.200 điểm rơi xuống gần mốc 930 điểm và đã đánh mất thành quả có được kể từ đầu năm.
VNIndex đánh mất thành quả từ đầu năm.
Mặc dù chỉ số chung đã có sự giảm điểm nhưng vẫn còn đó nhiều mã cổ phiếu đi ngược xu hướng thị trường. Trong số đó có tân binh Công ty cổ phần Bất động sản Netland (HNX: NRC).
Niêm yết trên sàn chứng khoán HNX lần đầu vào 5/4, đúng thời điểm chỉ số VNIndex bắt đầu điều chỉnh và giảm mạnh. Tuy nhiên nằm ngoài xu hướng chung, cổ phiếu NRC vẫn có sự tăng điểm tốt từ mức giá chào sàn 21.000 đồng/cp lên 47.500 đồng/cp.
NRC đã tăng giá gấp đôi từ khi chào sàn.
Với mức tăng gấp hơn 2 lần giá chào sàn và từng đạt đỉnh 51.700 đồng/cp (10/5), điều gì khiến cổ phiếu NRC bất chấp đi ngược thị trường để trở thành một trong những cổ phiếu hiếm hoi tăng mạnh trong gần 2 tháng qua?
Những bước đi mới
Được thành lập năm 2014 với vốn điều lệ vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng nhưng nhiều bước đi mới đã giúp Netland ghi nhận kết quả nhất định. Vốn điều lệ công ty chỉ trong 4 năm đã tăng 63 lần lên 120 tỷ đồng như hiện tại nhờ 2 lần tăng vốn năm 2016 và 2017.
Khởi đầu với hoạt động kết nối thông tin trên thị trường bất động sản giữa các đơn vị môi giới và chủ đầu tư. Tuy nhiên, Netland đã quyết định lấn sân sang mảng kinh doanh hợp tác đầu tư với những dự án như khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát (Queen Pearl), Tân Việt Phát 2, Haborizon Nha Trang,… Đây là một hướng đi mà các doanh nghiệp BĐS lớn như Đất Xanh hay TTC Land … đã từng đi qua.
Không chỉ chuyển hướng sang hợp tác đầu tư, Netland còn thâu tóm thành công doanh nghiệp 15 năm tuổi CTCP Bất động sản Danh Khôi với số tiền 38 tỷ đồng. Việc thâu tóm Danh Khôi là bàn đạp thuận lợi cho Netland tận dụng hệ thống kinh doanh môi giới rộng lớn từ Phan Thiết đến Bình Thuận, TPHCM, Vũng Tàu,...
Những bước đi từ chuyển hướng sang hợp tác đầu tư và thâu tóm đã đem lại những kết quả cụ thể cho hiệu quả kinh doanh của Netland.
Năm 2017, khi có sự đóng góp từ Danh Khôi, doanh thu NRC đạt 90 tỷ và lợi nhuận 33 tỷ đồng, gấp lần lượt 39 lần và 17 lần năm trước. Trong đó, hoạt động môi giới chiếm 87% tổng doanh thu, hợp tác đầu tư chiếm 13%.
Hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng mạnh.
Riêng trong quý I/2018, doanh thu tăng mạnh lên 37,2 tỷ. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 13,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Netland cho biết nguyên nhân là nhờ ghi nhận doanh thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Tân Việt Phát và nhờ hợp nhất với Danh Khôi (quý I/2017 chưa hợp nhất).
Về kế hoạch trong năm 2018, Netland đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 66% lên mức 150 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, tức tăng 110%. Do vậy, công ty chỉ mới thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lại tăng vốn, đón cổ đông ngoại
Đã tăng vốn đến 63 lần trong 4 năm qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Netland tiếp tục thông qua kế hoạch phát hành thêm 12 triệu cổ phiếu mới tăng vốn điều lệ 100%. Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ giúp Netland dễ dàng thực hiện các dự án đầu tư nhưng cũng là bài toán khó về việc pha loãng cổ phiếu, pha loãng EPS.
Theo phương án, Netland sẽ phát hành 600.000 cp ESOP, phát hành cho cổ đông hiện hữu 9 triệu cổ phiếu và 2,4 triệu cp cho đối tác chiến lược Sanei Architecture Planning Co., Ltd.
Sanei Architecture là một đối tác từ Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với 3 phân khúc chính là Bán hàng, Hợp tác kinh doanh và Cho thuê BĐS. Doanh nghiệp này có vốn hóa thị trường 40,7 tỷ yên (28/5).
Đó là kế hoạch tương lai, còn hiện tại NRC đã đón cổ đông ngoại đầu tiên tham gia vào doanh nghiệp chính là ông trùm bán lẻ của Nhật Bản, G-7 Holdings INC khi công ty này vừa mua vào 700.000 cp và chính thức thành cổ đông lớn nắm 5,83% vốn NRC.
G-7 Holdings INC được thành lập 1976 với lĩnh vực chính là hỗ trợ và quản lý các công ty liên kết. G-7 có mức vốn gần 1,8 tỷ yên. Công ty này quản lý chuỗi thương hiệu nổi tiếng như chuỗi 87 cửa hàng phụ tùng xe hơi Autobacs, chuỗi 138 siêu thị. Ngoài ra còn có các thương hiệu lớn khác như Green’s K, Daiso (100 yen shop), Ramen Kaibe,… Với việc xâm nhập vào Việt Nam thì đây là thị trường thứ 7 của G-7 Holdings tại Đông Á và Đông Nam Á.
Như vậy, cơ cấu cổ đông của NRC đã có sự thay đổi khi góp mặt từ cổ đông ngoại khá tên tuổi thay cho cổ đông cá nhân trong nước. Trước khi G-7 tham gia thì cổ đông NRC là 100% cá nhân trong nước. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch Lê Thống Nhất cùng vợ là Nguyễn Ngọc Thủy vẫn chiếm đến 55% vốn điều lệ.
NRC lần đầu có cổ đông ngoại.
Cơ cấu tài sản đáng ngại
Ngoài vấn đề tăng vốn khá nhanh khiến rủi ro về pha loãng tỷ lệ sở hữu và pha loãng EPS thì NRC vẫn còn tiềm ẩn rủi ro liên quan đến chất lượng tài sản.
Tính đến cuối tháng 3/2018, Netland có 126 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, gấp đôi đầu năm và 149 tỷ phải thu dài hạn, tăng 23%. Tổng các khoản phải thu chiếm 89% tổng tài sản công ty gây lo ngại về mất cân đối vốn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng mạnh vay nợ để đầu tư các dự án khiến chỉ số nợ vay ngắn hạn tăng đột biến lên 22 tỷ đồng (đầu năm chỉ vay ngắn hạn 428 triệu đồng). Nợ vay tăng thêm chủ yếu từ đối tác Sanei Architecture 21,6 tỷ đồng.
Vấn đề nguồn tiền cũng là dấu hỏi khi lượng tiền mặt tại doanh nghiệp này hiện chỉ có 10 tỷ đồng trong khi công ty lại thông qua kế hoạch cổ tức bằng tiền 20% (tương đương 24 tỷ đồng). Như vậy, không chỉ giải bài toán nguồn vốn cho kinh doanh mà việc sắp xếp nguồn tiền để trả cổ tức cũng là vấn đề đối với NRC.
LAN ĐIỀN
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.