Thị trường sụt giảm mạnh trong quý IV/2018 đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán (CTCK), tác động chủ yếu đến danh mục tự doanh. Nhiều công ty đã ghi nhận khoản lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường quý IV duy trì ở mức thấp cũng là nguyên nhân đẩy doanh thu môi giới của nhiều CTCK lao dốc. Ngoài ra, lãi từ các hoạt động cho vay margin cũng giảm đi đáng kể do nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh thị trường chung không khả quan.
CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn thứ 2 sàn HoSE trong năm 2018 là CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HSC (HoSE: HCM) bất ngờ thông báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 đạt 72 tỷ đồng, giảm mạnh 61,3% so với cùng kỳ. Doanh thu của HSC trong quý 4 đạt 402 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản thị trường sụt giảm đã khiến các khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), cho vay và phải thu hay môi giới đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Việc KQKD quý IV không được tốt dẫn đến việc cả năm HSC chỉ hoàn thành 82,5% kế hoạch lợi nhuận với 675,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm, danh mục FVTPL của HSC có khoản đầu tư vào MWG chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá thị trường vào khoảng 105,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào VIC và VNM cũng khá lớn với 69,4 tỷ đồng và 59,6 tỷ đồng.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt - VCSC (HoSE: VCI) và Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect - VNDS (HoSE: VND) - đây là hai CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn thứ 3 và 4 năm 2018.
Trong đó, quý IV/2018 VCSC báo lãi sau thuế 131,3 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Khác với HSC, các khoản doanh thu môi giới hay lãi từ các khoản cho vay và phải thu của VCSC kỳ này vẫn tăng so với cùng kỳ. Nhưng khoản doanh thu tư vấn của VCSC giảm sâu 95,3% và đạt 9,2 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản lãi từ FVTPL của công ty kỳ này giảm mạnh 65% xuống 25 tỷ đồng, trong khi đó, lỗ từ FVTPL hơn 32 tỷ đồng.
VNDS ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 68% xuống 45,4 tỷ đồng bất chấp việc doanh thu vẫn tăng tăng 7% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ tăng 59% lên 117 tỷ đồng, cùng với chi phí tài chính tăng 96% lên 89 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng của VNDS giảm sâu. Lũy kế cả năm, doanh thu của VNDS đạt 1.553 tỷ đồng, giảm 27% so với 2017. Lợi nhuận ròng giảm 22%, tương đương 55% kế hoạch đề ra đầu năm.
Các CTCK lớn khác như CTCP Chứng khoán MB (HoSE: MBS) hay CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (HoSE - HNX) cũng đều chung cảnh ngộ.
Một CTCK gây được sự bất ngờ lớn với nhà đầu tư đó là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC (HoSE: BSI). Công ty này quý IV báo lỗ 10,4 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty vẫn lãi 24,5 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 năm kể từ quý IV/2012 thì BSC đã báo lỗ trở lại.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.