Chỉ số MSCI Thế giới, theo dõi cổ phiếu của 49 thị trường lớn, xuống sát mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9, sau khi giảm 0,8% trong phiên trước. Tại châu Á, MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,7%.
Singapore, Hàn Quốc, Australia và Indonesia là những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất khu vực. trong đó, Straits Times giảm 1,4%, Kospi giảm 1,9%, ASX 200 giảm 1,5% và Jakarta Composite mất 1,3%.
Ngoài ra, Nikkei 225 của Nhật Bản mất 106 điểm, tương đương giảm 0,5%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% và NZX 50 của New Zealand giảm 0,4%.
Một số thị trường khác tại Đông Nam Á cũng giảm điểm như SETI của Thái Lan giảm 0,7% và FTSE Bursa Malaysia KLCI giảm 0,9%. Trước đó, chốt phiên 1/10, S&P 500 tại Mỹ cũng mất 1,2% xuống thấp nhất 4 tuần.
Thị trường tài chính thế giới bị sốc bởi thông tin sản xuất Mỹ kém nhất 10 năm trong tháng 9. Cụ thể, Viện quản lý nguồn cung Mỹ công bố PMI sản xuất tháng 9 giảm xuống 47,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6/2009 và là tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Theo đánh giá của chiến lược gia tiền tệ cấp cao Joseph Capurso tại Commonwealth Bank of Australia, số liệu yếu ớt trong sản xuất và kế hoạch chi tiêu vốn cùng với những lần đảo chiều gần đây của đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ cho thấy rủi ro Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng lớn.
Trước đó, báo cáo từ IHS Markit cũng cho biết lĩnh vực sản xuất của Đức suy giảm với PMI tháng 8 xuống thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lĩnh vực dịch vụ cũng tăng chậm nhất trong 9 tháng qua. Nhìn chung, PMI sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu xuống dưới ngưỡng tăng trưởng và thấp nhất hơn 6 năm. Ngoài ra, PMI dịch vụ của khu vực cũng thấp nhất 8 tháng.