Cổ phiếu CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel -UPCoM:
VTR) tăng trần cả 4 phiên giao dịch đầu tiên, lên mức giá 85.100 đồng/cp trong phiên hôm nay, gấp đôi giá chào sàn. Giá cổ phiếu tăng cao giúp doanh nghiệp lữ hành đầu ngành Việt Nam đạt giá trị vốn hóa hơn 1.070 tỷ đồng.
Miếng bánh lữ hành tỷ đô nhưng biên lợi nhuận chưa tới 1%
Theo báo cáo của bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research), ngành du lịch tăng trưởng vững chắc bình quân 12%/năm trong 5 năm gần đây, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP cùng giai đoạn.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô của ngành du lịch năm 2019 có thể đạt 1,8 tỷ USD, tăng trưởng 14%. Du lịch sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2019-2021 nhờ lượng khách tăng và ngày càng nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Chính phủ ưu tiên phát triển du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Vietravel cho biết nhu cầu du lịch tăng cao tạo cơ hội cho các công ty lữ hành phát triển. Tốc độ tăng trưởng chung của công ty dịch vụ du lịch trong nước bình quân hơn 15%/năm.
Dù tiềm năng và quy mô lớn, ngành du lịch vẫn còn khá phân mảnh. Tính đến năm 2018, Tổng cục Du lịch đã cấp phép cho 2.022 doanh nghiệp lữ hành, nhưng chỉ có 20 đơn vị có liên doanh với đối tác nước ngoài để cung cấp du lịch trong nước (inbound tour) do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dù quy mô và tiềm năng thị trường lớn, ngành lữ hành vẫn tồn tại một nghịch lý đáng buồn: doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận rất "mỏng". Theo khảo sát của SSI Research, NPM (biên lợi nhuận ròng – tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu) mảng lữ hành của Vietravel, Fiditour và BenThanh Tourist chỉ khoảng 1%.
Vietravel trong ngành
Xuất phát điểm là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Vietravel được cổ phần hóa năm 2004 và chính thức trở thành công ty tư nhân. Vietravel được biết đến là đơn vị tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị cấp cao APEC, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG 5); Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á, Đại lễ Vesak …
Hãng lữ hành Vietravel có hoạt động chính là tổ chức các tour du lịch inbound (người nước ngoài/việt kiều du lịch tại Việt Nam), du lịch outbound (người Việt du lịch nước ngoài) và domestic tour (du lịch nội địa). Nhóm khách hàng của công ty là các đoàn du lịch, du khách riêng lẻ và cả tổ chức sự kiện cho các công ty. Tour của Vietravel thường là trọn gói, bao gồm dịch vụ vận chuyển, chỗ ở và ăn uống.
Năm ngoái Vietravel đón hơn 852.000 lượt khách, tăng 10%. Doanh thu thuần năm 2018 của doanh nghiệp đạt 7.233 tỷ đồng; trong đó doanh thu du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 77% (5.569 tỷ), còn lại đến từ các dịch vụ khác như cho thuê xe, đại lý máy bay, xuất khẩu lao động... Dù có vị thế lớn, biên lợi nhuận ròng của Vietravel rất thấp chỉ khoảng 0,8%.
Doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng Vietravel chỉ lãi vài chục tỷ đồng.
Với quy mô thị trường 1,8 tỷ USD (khoảng 41.000 tỷ đồng), Vietravel là đơn vị dẫn đầu về doanh thu lữ hành tại Việt Nam với thị phần gần 14% với doanh thu lữ hành 5.569 tỷ đồng, xếp trên các công ty riêng lẻ khác như Lữ hành Saigontourist, BenThanh Tourist hay TTC Tourist…
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), đơn vị sở hữu nhiều hãng lữ hành nhất với hơn 10 đơn vị. Trong đó, đơn vị chủ lực Dịch vụ Lữ hành Saigontourist có doanh thu lữ hành năm 2018 đạt đến 4.575 tỷ đồng. Fiditour (HNX: FDT), một công ty liên kết của Saigontourist có doanh thu lữ hành 571 tỷ đồng.
Mảng lữ hành của Tổng công ty Bến Thành là BenThanh Tourist (UPCoM: BTV) có doanh thu 527 tỷ đồng.
Các đơn vị lữ hành khác có vị thế khá nhỏ so với Vietravel. Một số công ty đã đưa cổ phiếu lên sàn như TTC Tourist (HoSE: VNG) có doanh thu lữ hành chỉ hơn 83 tỷ đồng tỷ đồng năm 2018. Donatours (UPCoM: DNT) có doanh thu 269 tỷ đồng. Daklaktourist (UPCoM: DLD) có doanh thu chỉ 63 tỷ.
Vietravel dẫn đầu doanh thu mảng lữ hành tại Việt Nam.
Mặc dù chiếm số 1 về thị phần, nhưng theo báo cáo của SSI Research, cả biên lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận gộp của Vietravel lại thấp hơn Fiditour hay BenThanh Tourist.
So sánh biên lợi nhuận ròng (NPM tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu) và biên lợi nhuận gộp (GPM tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu) của Vietravel (VTR), Fiditour (FDT), BenThanh Tourist (BTV).
Chờ đợi cải thiện biên lợi nhuận từ dự án hàng không
Dù duy trì vị thế đầu ngành lữ hành, lợi nhuận của Vietravel vẫn quá khiêm tốn khi chưa có sẵn hệ thống kết hợp như khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi, máy bay... để khép kín chuỗi kinh doanh lữ hành. Do đó, bài toán đặt ra cho Vietravel nếu muốn cải thiện biên lợi nhuận là phải tìm kiếm các mảng kinh doanh mới có hiệu quả cao hơn.
Chia sẻ tại ngày cổ phiếu chào sàn, Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ cho biết công ty sẽ hoàn thiện hệ sinh thái du lịch khi mua cổ phần một số khách sạn, góp cổ phần vào các công ty đường bộ và thành lập hãng hàng không.
Việc liên doanh khách sạn mang lại hiệu quả cao đã được chứng minh rõ ràng tại Saigontourist, Hanoitourist, Bến Thành Group. Trong khi mảng hàng không cũng tạo ra nhiều kỳ vọng. Dự án hàng không Vietravel Airlines đã huy động thành công 700 tỷ đồng trái phiếu và dự kiến bay thương mại vào tháng 10/2020. Đây là hàng hàng không bay thuê chuyến (charter), tập trung phục vụ du lịch.
Vietravel nhận định trong chuỗi kinh doanh lữ hành, vận tải hàng không đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xác lập hiệu quả kinh doanh du lịch. Năm 2018, Vietravel đã thực hiện gần 300 chuyến bay charter để vận chuyển hành khách theo hợp đồng thuê bao chuyến với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Jestar Pacific cùng nhiều chuyến bay charter với các hàng nước ngoài. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn khi thị trường có 51.000 chuyến bay charter của các đơn vị nước ngoài, mở rộng cơ hội chiếm lĩnh lớn cho Vietravel.
Lợi thế của Vietravel là đã có kinh nghiệm bay thuê chuyến nhiều năm với việc khai thác khoảng 300 - 400 chuyến charter/năm. Công ty cũng có lợi thế 40 văn phòng trong nước và 6 văn phòng nước ngoài mà nhiều hãng khác chưa có. Ngoài ra, khách hàng chính của Vietravel Airlines là khách du lịch trong khi Vietravel đã có sẵn tập khách hàng rất lớn.
Nói về biên lợi nhuận, hãng hàng không Vietjet có lợi nhuận công ty mẹ năm 2018 là 5.335 tỷ đồng, tương ứng biên lãi ròng khoảng 10% hay hàng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lãi ròng 2.335 tỷ đồng, biên lợi nhuận là 2,4%.
Dù vậy, dự án hàng không cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về tính khả thi khi việc cấp phép bay chưa được Thủ tướng thông qua, sự cạnh tranh gay gắt khi có quá nhiều hãng hàng không mới và hiện hữu, việc cấp phép các chặng bay gặp khó khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp…
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.