Quý III, Tập đoàn Yeah1 (HoSE:
YEG) ghi nhận doanh thu 275 tỷ đồng nhưng giá vốn cao hơn 275,8 tỷ đồng dẫn đến khoản lỗ gộp 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 62,7 tỷ đồng.
Mặt khác, chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý tăng mạnh lên 26 tỷ và 101 tỷ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí quản lý tăng mạnh phần lớn do trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Do vậy, Yeah1 bị lỗ 120 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế 9 tháng lên 214 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý III bị âm 133,5 tỷ đồng.
Đơn vị lý giải khoản lỗ 9 tháng chủ yếu do trích lập dự phòng liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Phần còn lại đến từ việc tăng chi phí hoạt động do mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở chính, tuyển dụng thêm nhân sự và hoạt động kinh doanh một số mảng bị ảnh hưởng sau dự cố với Youtube.
Đầu năm, doanh nghiệp truyền thông này đã mua 100% vốn Công ty ScaleLab LLC (trụ sở Mỹ) với giá 20 triệu USD, trả trước 12 triệu USD (265,9 tỷ đồng) và 8 triệu USD trả theo kết quả hoạt động kinh doanh. Đến tháng 3, sau sự cố với Youtube, Yeah1 đã phải bán lại ScaleLab cho chủ cũ nhưng số tiền phải thu về lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty hoặc bán lại được cho bên thứ 3.
Do vậy, trong quý II, công ty đã tiến hành trích lập 30% số tiền phải thu từ việc chuyển nhượng ScaleLab (12 triệu USD). Đến quý III, công ty tiến hành trích lập thêm 2,4 triệu USD, tương đương 20% giá trị của khoản phải thu.
Tại thời điểm cuối kỳ, công ty có 580 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, tăng 56% so thời điểm đầu năm. Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn khác quá hạn thanh toán là 297 tỷ đồng gồm 278 tỷ từ Brener Pass Investment Corporation (chủ cũ ScaleLab) và 19,6 tỷ từ Công ty Tân An Đông. Yeah1 trích dự phòng 150 tỷ đồng, riêng phải thu từ thanh lý công ty con trích lập 139 tỷ đồng.
Đối với khoản tiền thu được từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ vào tháng 8/2018 khoảng 1.173 tỷ đồng. Công ty đã chi hơn 300 tỷ đồng đầu tư mảng kỹ thuật số, 141 tỷ mua cổ phiếu quỹ và 192 tỷ bổ sung vốn lưu động. Số tiền còn lại công ty đem đầu tư tài chính ngắn hạn với việc mua trái phiếu của Công ty Nhựa Đại An 100 tỷ, mua trái phiếu Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) 40 tỷ đồng và gửi ngân hàng hưởng lãi suất từ 4,9% đến 8,2%. Tính đến 30/9, công ty có 570 tỷ đồng tại khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm 38% so với đầu năm.
Tường Như
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.