Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) này sẽ được đổi tên gọi thành Sở GDCK Việt Nam và là doanh nghiệp (DN) được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật DN, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Vốn nhà nước nên là 100%?
Trong phiên thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến liên quan đến cấu trúc, hoạt động của Sở GDCK Việt Nam được đưa ra trong Dự thảo.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM), thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những tiến triển tốt, vốn hoá thị trường đến nay đã đạt 5,6 triệu tỷ đồng, trong đó Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) đóng góp trên 85%.
Do đó, khi xây dựng mô hình Sở GDCK Việt Nam cần phải có tính kế thừa những kết quả này. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các tài khoản giao dịch của Việt Nam đã đạt tới 2,3 triệu tài khoản, trong đó có khoảng 30.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 25% vốn.
Ông Ngân cho rằng hiện nay, 2 Sở GDCK là Hà Nội (HNX) và HoSE đang có tư cách pháp nhân độc lập và hoạt động tốt, nếu sáp nhập 2 đơn vị này và chỉ tổ chức một sở GDCK sẽ kìm hãm sự phát triển.
“Nếu vội vã cổ phần hóa e rằng sẽ giống trường hợp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa rồi, đến một lúc nào đó, chúng ta lại muốn mua lại cổ phần đã cổ phần hóa”, ông Ngân nhấn mạnh.
Ông Ngân đề nghị Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định Sở GDCK Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV, Nhà nước phải sở hữu 100% vốn và tổ chức theo hình thức công ty mẹ-con.
Từ vị trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại sở GDCK duy nhất này. Theo đó, quy định việc Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần chi phối Sở GDCK Việt Nam là điểm mới cần phải thảo luận kỹ, yêu cầu Bộ Tài chính xem xét thêm.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) nêu quan điểm cá nhân cho biết việc quy định cụ thể tên Sở GDCK Việt Nam sẽ rất cứng nhắc và không bao quát hết tất cả những trường hợp phát sinh mới, bởi bản chất đây vẫn là một sàn GDCK.
Đại biểu này cho biết thêm các sở GDCK hiện nay tổ chức thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Sau này có thể phát triển các sở GDCK và sàn GDCK phái sinh hàng hóa nên cần cân nhắc khi quy định.
Thẩm quyền của ai?
Bên cạnh việc thành lập, mô hình triển khai Sở GDCK Việt Nam, việc tổ chức, sắp xếp các sở GDCK sẽ thuộc thẩm quyền của ai cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng thẩm quyền này nên giao cho Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chủ động trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện. Đây cũng là ý kiến của một số đại biểu khác trong phiên thảo luận.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc thành lập một sở GDCK là phù hợp với thông lệ và Luật DN, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị nếu quy định Thủ tướng có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở GDCK Việt Nam thì cũng nên giao cho Thủ tướng quy định thẩm quyền phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK Việt Nam cho các sở con.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm có thể trong 5 năm tới vẫn chưa cổ phần hóa được Sở GDCK Việt Nam, theo thông lệ quốc tế thì các sở GDCK là cổ phần, thậm chí là tư nhân. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường đang phát triển, sắp xếp và củng cố tổ chức thì việc kế thừa để đảm bảo thị trường phát triển ổn định là cần thiết.
Trước đó, theo Bộ Tài chính, đang có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các sở GDCK trong quản lý thành viên giao dịch, nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin bị phân tán, chưa tổ chức được hoạt động giám sát tổng thể trên thị trường chứng khoán…
Căn cứ Quyết định 32/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam, để tập trung đầu mối và khắc phục những tồn tại, hạn chế trên. Sở GDCK Việt Nam có nhiệm vụ chính gồm xây dựng chiến lược, định hướng hoạt động, định hướng phát triển công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, ngay từ khi được phê duyệt, đề án đã gặp nhiều vấn đề băn khoăn về việc Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sở GDCK Việt Nam liệu có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong bối cảnh việc đổi mới DN nhà nước đang được thúc đẩy theo hướng tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước?
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.