Trong khi các nhà lập chính sách tại Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như sẽ giữ nguyên lãi suất, những quốc gia đang phát triển vẫn còn dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho kinh tế thế giới, hiện tăng trưởng chậm nhất một thập kỷ.
“Trong hầu hết trường hợp, các thị trường mới nổi đang trong vị thế thoải mái để nới lỏng chính sách tiền tệ ứng phó kinh tế giảm tốc”, Ulrich Leuchtmann, giám đốc chiến lược tiền tệ tại Commerzbank AG, Đức, nhận định. “Nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy các nền kinh tế mới nổi, ảnh hưởng tích cực tới các nước phát triển”.
Tăng trưởng GDP dự báo của các nền kinh tế trong năm 2019.
Tăng trưởng nhanh hơn
Chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley tuần này dự báo các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2020, gấp hơn 3 lần so với mức 1,3% của nhóm G10 (gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh và Mỹ).
20 trong số 32 ngân hàng trung ương được Morgan Stanley theo dõi đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Các chuyên gia dự báo có thêm 13 ngân hàng trung ương tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2020, chủ yếu là thị trường mới nổi, vào tháng 3. Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể hành động nếu cần.
Với Mỹ và Trung Quốc đang hâm nóng lại quan hệ thương mại, các nhà quản lý quỹ có thêm lý do để dồn vốn vào thị trường mới nổi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng coi thị trường mới nổi là động lực chính cho kinh tế toàn cầu còn tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ ở dưới 3%.
Hàn Quốc và Brazil là những nước có thể hạ lãi suất đầu tiên, số khác như Trung Quốc và Thái Lan sẽ thận trọng hơn trước khi hành động. Các điều kiện kinh tế tại Ấn Độ khả năng cao buộc giới lập chính sách nước này phải cắt giảm lãi suất, Abhishek Gupta, chuyên gia kinh tế Ấn Độ tại Bloomberg Economics, nhận định.
Nguy cơ từ Trung Quốc
Trung Quốc, nền kinh tế có ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực đến các thị trường mới nổi còn lại, khiến triển vọng trở nên không rõ ràng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện chậm nhất gần 30 năm, chỉ số giá sản xuất giảm mạnh nhất kể từ năm 2016.
Dù vậy, nhà đầu tư cùng giới chuyên gia kinh tế vẫn đặt niềm tin vào thị trường mới nổi nhờ khả năng ứng phó trong trường hợp tình hình diễn biến xấu. Lãi suất thực, tức lãi suất ngân hàng trung ương trừ đi lạm phát, vẫn tương đối tốt, trái với lãi suất thực âm tại nhiều nền kinh tế phát triển.
“Lãi suất tại châu Á và thị trường mới nổi nói chung vẫn có thể tiếp tục giảm”, theo Terasa Kong, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews Asia.
Các nền kinh tế đã phát triển không còn nhiều dư địa để giảm do lãi suất thực của họ đã âm.
Thị trường mới nổi vẫn có một vấn đề tồn tại từ lâu là lạm phát cao nhưng đã bị kiềm chế tại nhiều nền kinh tế. Ví dụ, tại Philippines, lạm phát tăng mạnh trong năm 2018 và giảm trong năm nay, giữ lãi suất thực ở 3,2%. Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines nói họ sẽ giữ lãi suất trong cả năm 2019.
Theo Kunal Ghosh, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allianz Global Investors, bang California, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sẽ cải thiện đáng kể tâm lý thị trường mới nổi.
“2020 sẽ là năm tốt cho các thị trường mới nổi”, Ghosh nói.
Như Tâm (Theo Bloomberg)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.