Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). VASEP nhận định bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam 10 tháng đầu năm nay cho thấy nhiều mảng tối tại một số thị trường trọng điểm. Do đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam năm nay sẽ giảm khoảng 15% so với 2018.
Nguyên nhân là xuất khẩu cá tra sang một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn giảm. Đồng thời, giá nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên giá trị xuất khẩu trong thời gian này không thể tăng cao hơn.
Nguồn số liệu: VASEP.
Xuất khẩu sang Mỹ, Brazil, Colombia giảm 2 con số
Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 232,9 triệu USD, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Rào cản thương mại và kỹ thuật gia tăng, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh đã tác động trực tiếp tới giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ ngày 1/11 chính thức công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá da trơn xuất khẩu của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ. Theo VASEP, việc Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Mỹ là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang giảm so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng trở lại trong năm 2020. Còn trong quý IV và cả năm 2019, giá trị xuất khẩu được dự báo vẫn giảm.
Tương tự, đối với thị trường Nam Mỹ, xuất khẩu cá tra sang 2 thị trường lớn là Brazil và Colombia đều giảm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch lần lượt đạt 47,2 triệu USD và 39,2 triệu USD.
Nguồn số liệu: VASEP.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiêu thụ lớn ở châu Á và châu Âu duy trì đà tăng.
Sau khi giảm trong quý I, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong bắt đầu phục hồi từ quý II cho tới hết tháng 10, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,7 - 71% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch tháng trước tăng 17,5% đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay đạt 552,4 triệu USD và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc - Hong Kong tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất và đa dạng nhất của cá tra Việt Nam, với giá xuất khẩu dao động trong khoảng 1,05 - 8,8 USD/kg. VASEP dự báo trong năm 2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng khoảng 20% so với năm 2018.
Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiềm năng như Liên minh châu Âu, ASEAN, Mexico và Nhật Bản có xu hướng chung: tăng ở 2 quý đầu năm nhưng chững lại hoặc tăng chậm trong 2 quý còn lại. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra sang các thị trường này chỉ tăng 1 con số.
Theo VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khó có thể tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường này trong quý cuối năm.
Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm
Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục giảm do tốc độ tăng của nguồn cung cao hơn hơn cầu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng nuôi cá tra của cả nước trong 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.197,1 nghìn tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi cũng tăng 3,5% đạt 6.110 ha. Trong đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tổng sản lượng 10 tháng đầu năm cao nhất cả nước.
Kết quả, giá bán buôn dao động trong khoảng 20.000-20.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại chỉ dao động 19.000-19.500 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng so với tháng trước. Thị trường giao dịch trầm lắng, các công ty chủ yếu ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá.
Tương tự, giá cá tra thương phẩm loại 0,7-0,9 kg/con tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ liên tục giảm từ 29.000 - 29.500 đồng/kg đầu quý I xuống 19.500-20.500 đồng/kg đầu quý III, và hiện tại xuống còn 18.500 - 19.500 đồng/kg.
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.