Dự báo của doanh nghiệp và các chuyên gia chăn nuôi, giá heo hơi có thể chạm mốc 80.000 đồng trong vài ngày tới. Cũng chính vì diễn biến phức tạp của giá heo trong nước và dự báo tăng cao, dù heo đã đạt trọng lượng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quyết giữ để chờ thêm giá.
Anh Hoàng, một hộ chăn nuôi heo ở Hải Dương cho biết, tuần trước, anh vừa bán 100 con heo với giá 65.000 đồng một kg. "Vừa bán xong 2 ngày giá heo tăng lên 70.000 đồng khiến tôi tiếc đứt ruột. Do đó, dù còn 200 con và được thương lái trả giá tới 73.000 đồng một kg tôi vẫn chưa bán mà chờ giá tăng thêm", anh Hoàng nói.
Là thương lái chuyên thu mua heo ở cả hai miền Nam và Bắc, ông Nguyễn Đức Hùng ở Hà Nội cho biết, heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang cạn dần. Nhiều hộ giữ hàng mà không tái đàn khiến giá heo phải tăng liên tục.
"Với các hộ chăn nuôi lớn, vì ký kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể thu mua, đành phải mua ở các hộ nhỏ lẻ giá cao. Cũng chính vì nhu cầu thị trường nên giá heo liên tục lập đỉnh mới và chưa có điểm dừng", ông Hùng nói và cho rằng, trước đây mỗi tháng ông mua cả nghìn con heo từ Nam ra Bắc và thậm chí để xuất khẩu nhưng nay thu mua heo trong dân cả tháng cũng chỉ được vài trăm con, giảm một nửa so với năm trước đó.
"Sốc" khi giá heo tăng liên tục, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói rằng, nguyên nhân chính khiến giá heo liên tục lập đỉnh mới là nguồn cung ngày càng giảm. Trên thực tế, dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch. Do đó, người nuôi chưa thể tái đàn nên nguồn cung càng giảm mạnh.
"Chúng tôi khảo sát một số trang trại từng mắc dịch tả heo châu Phi đã tiêu hủy và tái đàn lại nhưng heo vẫn bị nhiễm bệnh nên nhiều hộ sợ, không dám tái đàn", ông Công phân tích thêm và cho biết, ngoài nguồn cung giảm thì các yếu tố chi phí cấu thành nên con heo cũng tăng cao khiến các trang trại buộc phải tăng giá cho phù hợp.
Theo ông Công, trước đây giá thành heo hơi ở mức 35.000 đồng một kg thì nay người nuôi "cõng" thêm các loại phí kiểm dịch, kiểm định khác, thậm chí họ phải mua máy về kiểm tra chất lượng heo trung bình mỗi con tốn thêm 200.000 đồng cho dịch vụ này. Ngoài ra, các chi phí về an toàn sinh học cũng góp phần làm giá thành heo cao.
Một yếu tố tác động nữa là do thị trường thịt heo thế giới biến động, không riêng Việt Nam hay Trung Quốc. Thống kê cho thấy, dịch tả heo châu Phi đã làm cho nguồn heo thế giới bị thiệt hại hơn một phần tư. Do đó, ông Công dự báo từ nay đến tết giá heo tiếp tục tăng. Để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, Cơ quan quản lý cần thống kê chính xác về nguồn cung heo từ người dân, doanh nghiệp, để từ đó có giải pháp điều tiết thị trường phù hợp...
Cũng đồng quan điểm với ông Công về nguồn cung heo giảm, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cho rằng, vì chưa có thông tin rõ ràng về nguồn heo tại từng địa phương nên đã gây tâm lý hoang mang dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán. Cùng với đó, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giật càng đẩy giá lên cao.
Theo thống kê của Cục chăn nuôi, trong 63 tỉnh thành hiện nay, chỉ có 9 tỉnh vượt mức giá 70.000 đồng một kg, còn lại biến động quanh mức 66.000 đồng một kg tại miền Bắc, 64.000 đồng một kg ở miền Nam. Điển hình như một số công ty, doanh nghiệp lớn như C.P, Vissan đang bán 64.000 - 66.000 đồng một kg trên toàn quốc. Qua đó cho thấy, ở một số địa phương giá heo trên 70.000 đồng một kg có thể do cơ sở giết mổ không tiếp cận được nguồn cung heo thịt vì nguồn cung hiện nay chủ yếu ở các trang trại lớn và trang trại vừa. Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi và thương lái "găm" heo để chờ lên giá khiến một lượng nhỏ thịt heo bán ra thị trường bị "làm giá".
Thi Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.