Đăng đàn đầu tiên tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dành cả buổi sáng nay (6/11) và một phần buổi chiều để trả lời các vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề sản phẩm cá ngừ đại dương mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam nếu làm tốt khâu bảo quản sẽ nâng cao hiệu quả kim ngạch của sản phẩm này. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm, để cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bộ trưởng Cường thông tin hiện nay cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD. "Chúng tôi đồng tình nếu làm tốt hơn sẽ cho giá trị cao hơn", lãnh đạo ngành nông nghiệp nói. Theo ông, làm tốt về công nghệ chế biến, giá trị xuất khẩu có thể tăng gấp 2 - 3 lần hiện tại.
Tại Khánh Hòa, Bình Định, doanh nghiệp có thể chế biến trên 30 sản phẩm cá ngừ tại chỗ mà không cần xuất khẩu sang Nhật như trước đây. Các sản phẩm này đã được bày bán tại các siêu thị Hà Nội, TP HCM...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường thông tin tại Khánh Hòa hiện có mô hình liên kết chế biến 3 phương tiện. Ngoài tàu chính đánh bắt, tàu hậu cần đi theo đón cá, cung cấp nhu yếu phẩm và đưa cá về đất liền xử lý ngay tại nhà máy tạo ra chuỗi chế biến trên biển. Vẫn với sản lượng như hiện tại nhưng 2 yếu tố về công nghệ chế biến và chuỗi chế biến sẽ kéo dài chuỗi giá trị ngành cá ngừ.
“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói. Bộ trưởng cảm ơn đại biểu đã hỏi câu hỏi này để Bộ nhìn thấy vấn đề, từ đó sẽ có giải pháp chú trọng hơn.
Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong năm 2018 tăng 10% so với năm 2017, đạt gần 653 triệu USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ năm 2018 chỉ chiếm 35%, thấp hơn so với năm 2017. Xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, ASEAN, Israel, Nhật Bản sụt giảm trong những tháng cuối năm 2018.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.