Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết Đức đang thắt chặt việc kiểm soát dư lượng chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là hệ thống cảnh báo nhanh của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm châu Âu đã đưa ra cảnh báo về các lô hàng nhập khẩu có liên quan tới dư lượng chlorate.
9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt 22,9 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại EU, đây là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam và cũng là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay.
Hiện có hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang Đức. Sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này khá đa dạng như cá tra cắt khúc đông lạnh, da cá tra đông lạnh, cá tra phile đông lạnh, phile cá tra organic đông lạnh,...
Trong báo cáo năm 2018 đánh giá rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng về tồn dư chlorate trong thực phẩm, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm châu Âu kết luận: “Mức dư lượng chlorate trong nước ăn uống và trong thực phẩm được phát hiện quá cao và có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ iodine, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu không quy định mức dư lượng tối đa (MRL) đối chlorate. Tuy nhiên, với các thuốc bảo vệ thực vật không được quy định MRL như vậy, châu Âu áp dụng mức MRL mặc định là 0,01 mg/kg.
Theo đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp thủy sản đang xuất khẩu hàng vào Đức nói riêng và EU nói chung nghiêm túc kiểm soát Chlorine dư không quá 1 mg/L và dư lượng chlorate không quá 0,7 mg/L đối với nước chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được yêu cầu rà soát chương trình quản lý chất lượng, đồng thời chủ động có kế hoạch lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra dư lượng chlorate đối với bán thành phẩm, thành phẩm.
Chlorate (ClO₃) là muối của axit chloric, có nguồn gốc từ hóa chất khử trùng chlorine được sử dụng phổ biến trong xử lý nước dùng trong chế biến thực phẩm và nước ăn uống. Từ năm 2008, Ủy ban Châu Âu đưa các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa chlorate ra khỏi danh sách được phép sử dụng.
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.