Niêm yết HoSE vào cuối năm nay
Tại buổi roadshow cổ phiếu
NHH của Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (UPCoM:
NHH), ông Bùi Minh Hải – Chủ tịch HĐQT chia sẻ, sau 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, công ty muốn chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với kỳ vọng cổ phiếu
NHH có thanh khoản cao hơn, phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp và giúp mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư.
“Hiện tại, Nhựa Hà Nội không thiếu nguồn vốn để đầu tư, tuy nhiên trong dài hạn, vẫn mong muốn tìm kiếm thêm đối tác chiến lược, nắm giữ 20-25% vốn, để đồng hành cũng công ty thực hiện các chiến lược phát triển”, ông Hải cho hay.
Ông Bùi Minh Hải. Nguồn: Nhựa Hà Nội
Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết vào giữa tháng 9/2019 và nhận phản hồi từ HoSE, Ban Lãnh đạo công ty kỳ vọng cổ phiếu sẽ chính thức được niêm yết vào cuối năm nay. Mức giá niêm yết tùy thuộc vào giá giao dịch trung bình phiên trên thị trường UPCoM.
Đa dạng hóa danh mục khách hàng, kỳ vọng lớn vào VAPA
Tại buổi roadshow, ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc
NHH cho biết, đơn vị đã cung cấp linh kiện xe máy cho Honda trong 20 năm qua và liên tục tăng trưởng hàng năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp linh kiện cho các đời xe của Piaggio, dòng xe SYM, sản phẩm điện tử của Panasonic, LGE…
Ở mảng ô tô, công ty bắt đầu cung cấp linh kiện cho Toyota từ 2010. Sau hai năm đánh giá, Toyota mới giao cho Nhựa Hà Nội sản xuất 2 chi tiết linh kiện nhưng đến 2017 đã tăng thêm 30 chi tiết. Năm nay, Toyota tiếp tục tăng thêm 4 linh kiện nữa, cho thấy việc hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển hơn.
Năm 1996, khi Honda lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam,
NHH được doanh nghiệp này tin tưởng lựa chọn là nhà cung ứng cấp 1. Đến nay,
NHH đã cung cấp 40% linh kiện nhựa xe máy và phát triển 9 chi tiết cho ô tô Honda Việt Nam, khẳng định uy tín cũng như hợp tác bền vững với doanh nghiệp này.
Theo quy hoạch của Chính phủ, sản lượng sản suất xe ô tô ở Việt Nam tăng trưởng mạnh từ nay đến 2030, đặc biệt là các dòng xe dưới 9 chỗ (năm 2020 dự kiến đạt 415.512 xe). Đi kèm với đó là tỷ lệ nội địa hóa yêu cầu đạt mức 50% trở lên đối với các dòng xe từ năm 2030. Ông Bùi Thanh Nam đánh giá, đây sẽ là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam nói chung và Nhựa Hà Nội nói riêng.
Trong năm 2019, công ty cũng tìm kiếm và mở rộng thêm một số khách hàng mới trong lĩnh vực linh kiện ô tô - xe máy như VinFast, Toyota Boshoku.
Riêng với VinFast, công ty có hợp tác thành lập liên doanh Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast - An Phát (VAPA) sở hữu 50% vốn, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng nhắm tới cung cấp các sản phẩm cho nhà của Vinhomes, với các sản phẩm vật liệu xây dựng kỹ thuật cao như tấm ốp tường, sàn SPC, phào chỉ trang trí nội thất…
Mang các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn “tấn công” thị trường Mỹ, EU
Hiện nay, thị trường của công ty chủ yếu là nội địa chiếm tỷ trọng 95% doanh số. Công ty có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là tiến sâu vào thị trường Mỹ, EU với 2 sản phẩm mũi nhọn là sàn nhựa kiến trúc công nghệ cao và các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn.
Lãnh đạo
NHH cho biết, thị trường sàn tại Mỹ ước tính đạt 26 tỷ USD năm 2018, trong đó thị trường sàn nhựa chiếm khoảng 15,4%, được dự báo tăng trưởng trung bình 17%/năm. Mỹ vẫn nhập 80% ván sàn nhựa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều nhà sản xuất tại quốc gia khác. Trước đây, Trung Quốc xuất sản phẩm này vào Mỹ chỉ chịu thuế 10% nhưng hiện nay đã tăng lên 25%. Trong khi, Việt Nam chỉ chịu thuế 4%.
Ngoài ra, việc Việt Nam ký Hiệp định Thương mại với EU và Canada cũng mở ra cơ hội cho sản phẩm ván sàn nhựa Việt Nam khi thuế suất hạ xuống 0%, trong khi Trung Quốc chịu thuế tầm 6-7%.
Công ty có thể chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm ván sàn nhựa và cũng đạt tất cả chứng chỉ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường châu Mỹ, châu Âu.
Với sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn (dao, thìa, dĩa, ống hút, túi, găng tay ), công ty đã phát triển và phân phối vào các siêu thị như Lotte, Vinmart, AEON…
Đại diện Nhựa Hà Nội cho biết, thị trường dao, thìa, dĩa năm 2018 có giá trị 2,4 tỷ USD và được dự báo tăng trưởng với tốc độ bình quân ở mức 1,7%/năm và đạt giá trị 2,7 tỷ USD vào năm 2025.
Tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm dao, thìa, dĩa sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới đang ở mức 18%, trong đó Mỹ, Canada và châu Âu có tỷ lệ cao trên 22%. Tỷ lệ chuyển đổi được dự tính sẽ tăng lên mức gần 50% vào năm 2025. Đây là xu hướng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.