Thông tin từ Tập đoàn Hòa phát (HoSE:
HPG![](/ESImages/info.gif)
) cho biết cung cấp cho thị trường trong 10 tháng đạt hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng bán hàng của khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, đạt 328.100 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt thép cuộn nguyên liệu cho rút dây tăng đột biến gấp 4 lần so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung đạt 329.800 tấn, tăng gần 50%.
Như vậy, sản lượng bán hàng tại khu vực miền Bắc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu bán hàng, đạt 1,52 triệu tấn, giảm 2%.
Riêng tháng 10, sản lượng thép Hòa Phát đạt 217.000 tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 6,7% so với tháng trước. Đây cũng tháng thứ 2 liên tiếp sản lượng thép của Hòa Phát ghi nhận tăng trưởng âm.
Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép quốc tế đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% tổng sản lượng bán hàng. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu thép đạt 14.200 tấn, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng sản lượng thép các tháng trong 2019 so với cùng kỳ 2018. Tổng hợp từ số liệu công bố của HPG
.
Ngoài việc tự chủ nguồn phôi sản xuất thép xây dựng, thép rút dây, thép dự ứng lực, Hòa Phát còn cung cấp phôi thép cho các nhà máy cán trong nước. Chỉ trong 2 tháng gần đây, Tập đoàn đã cung cấp trên 60.000 tấn phôi cho các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác.
Theo ông Đỗ Minh Quý – Giám đốc Chi nhánh Thép xây dựng Hòa Phát tại TP HCM, sản lượng bán hàng tăng đều cả ở khu vực dân dụng và dự án. Đặc biệt, từ khi các nhà máy của Hòa Phát ở Dung Quất cung ứng sản phẩm cho thị trường đã tạo nguồn cung dồi dào và ổn định hơn.
Trước đây hàng từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương vào đến miền Nam mất hơn 7 ngày, nhưng từ cảng Hòa Phát Dung Quất vào Đồng Nai chỉ mất khoảng trên dưới 3 ngày. Để đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường phía Nam, hiện nay chi nhánh đã chuẩn bị thêm hệ thống kho bãi, cầu cảng, củng cố và phát triển hệ thống phân phối.
Với quy mô sản lượng lên tới trên 4 triệu tấn thép xây dựng/năm từ 2020, mục tiêu của Tập đoàn trong năm tới tại khu vực miền Trung và miền Nam là tăng trưởng sản lượng gấp 2,5 lần so với 2019.
Quý III, công ty đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III. Cùng kỳ năm ngoái, công ty có lãi 2.408 tỷ đồng, tức lợi nhuận đã giảm 25,5%. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 45.683 tỷ đồng doanh thu và 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu tăng 10% thì lợi nhuận giảm 17%, hoàn thành 84% kế hoạch năm.
Hòa Phát đã vay nợ thêm 3.900 tỷ đồng, bao gồm 3.468 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 432 tỷ đồng nợ dài hạn trong quý III. Tổng nợ vay của Tập đoàn đến cuối tháng 9 là 34.268 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0,77 lần. Bởi nợ vay tăng nên trong kỳ, chi phí lãi vay tăng 88%, lên 266 tỷ đồng.
Cũng trong quý, Tập đoàn thép xây dựng số 1 Việt Nam rót thêm 1.680 tỷ đồng xây dựng Khu liên hiệp Gang thép Dung Quất. Chi phí xây dựng dở dang của dự án này tại ngày 30/9 là 44.600 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản Tập đoàn.
Bảo Lâm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.