Bộ Công Thương vừa công bố kết quả chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020. Số liệu đưa ra cho thấy tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là gần 332.285 tỷ đồng. Giá thành điện theo đó tương đương 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Trong khi đó, giá bán điện bình quân được áp dụng năm 2018 là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là mức được điều chỉnh tăng 6,08% kể từ ngày 1/12/2017. Như vậy, giá bán điện bình quân trong năm 2018 đã tăng hơn 6% so với mức áp dụng trong phần lớn thời gian của năm 2017, trong bối cảnh giá thành chỉ tăng gần 3,6% và điện là một hàng hóa đặc biệt, được Nhà nước quản lý chặt chẽ về giá.
Tại buổi công bố, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng tính toán với giá bán và giá thành áp dụng cho năm 2018 nêu trên, EVN chỉ lãi khoảng 4 đồng/kWh. Lãnh đạo cơ quan quản lý cũng cho biết, do không tăng giá điện, EVN vẫn còn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (thực hiện hợp đồng mua bán điện của 2015 và 2017) hơn 3.090 tỷ đồng chưa tính vào chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh 2018. Trên thực tế, so với con số được công bố hồi năm 2017 là hơn 5.011 tỷ đồng, mức lỗ nêu trên đã giảm đáng kể.
Năm 2020, lãnh đạo ngành điện dự kiến Việt Nam sẽ nhập khẩu 3,397 tỷ kWh, sử dụng nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó chỉ tính mùa khô tới sẽ huy động khoảng 3,153 tỷ kWh. Con số này sẽ cao hơn nếu xảy ra tình trạng như lượng nước về các đập hồ thủy điện thấp, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Ngọc Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.