Thách thức lớn nhất trên thị trường hàng hóa mà Việt Nam phải đối mặt trong năm qua là sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, khiến bộ mặt của ngành chăn nuôi thay đổi gần như hoàn toàn. Việc Trung Quốc siết quy định nhập khẩu tiểu ngạch và chính ngạch qua biên giới cũng khiến các nông sản khác lao đao khi doanh nghiệp và người trồng chưa kịp thích ứng. Trong khi đó, nhiều vấn đề khác cũng chưa thể giải quyết như "thẻ vàng" IUU trong lĩnh vực đánh bắt hải sản hay hạn chót áp dụng ATIGA của ngành mía đường.
Hai trong số các điểm sáng còn lại là ST25 được vinh danh là loại gạo ngon nhất thế giới và Mỹ công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với nước này, mở ra cơ hội đơn giản hóa việc xuất khẩu mặt hàng chủ lực này sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam
Dịch bắt đầu xuất hiện ngày 1/2 tại tỉnh Hưng Yên và sau đó lan dần xuống các tỉnh miền Trung và Nam. Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đến ngày cuối tháng 11, cả nước có 8.533 xã thuộc 166 huyện của 63 tỉnh, thành phố bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, với số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con. Tình trạng này dẫn tới nguồn cung thịt heo dự kiến thiếu hụt 200.000 tấn đến cuối năm nay, theo tính toán của Tổng cục Thống kê.
Nguồn cung thiếu nên giá thịt lợn trong nước càng về cuối năm càng tăng mạnh. Đến ngày 10/12, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh thành đã vượt 70.000 đồng/kg, tại miền Bắc có nơi đạt 85.000 – 86.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh cầu lớn hơn cung và có thể phải nhập khẩu, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và thịt mảnh từ 25% xuống 22%.
Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu nông, thủy sản
Không chỉ siết nhập tiểu ngạch, Trung Quốc liên tục thay đổi các quy định trong nhập khẩu chính ngạch trong năm 2019 khiến nhiều xe tải chở hàng nông sản Việt bị ùn tắc ở các cửa khẩu, có mặt hàng không thể xuất khẩu sang thị trường này được nữa.
Trên thực tế, Trung Quốc chính thức thông báo về việc siết quy định nhập khẩu với nông sản Việt, đặc biệt là mặt hàng trái cây, từ tháng 5/2018. Theo đó, muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nước này yêu cầu sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói để có thể truy xuất nguồn gốc. Đến giữa tháng 8, phía Hải quan Trung Quốc tiếp tục sử dụng máy soi kiểm tra các xe chở nông sản của Việt Nam.
Đối với thủy sản, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng ban hành hàng loạt quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm. Đến ngày 1/10, Hải quan Trung Quốc tiếp tục ra Thông báo về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn.
Tuy nhiên, vẫn có một số tin vui đối với ngành sữa và thủy sản.
Với ngành sữa, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 16/10 tuyên bố chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam. Doanh nghiệp đầu tiên đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, với 2 sản phẩm được phép xuất khẩu là sữa tươi tiệt trùng và sữa biến đổi. Đến ngày 22/10, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc tổ chức công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa hai bên.
Với ngành thủy sản, gần cuối tháng 5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cho biết có 33 sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam được Trung Quốc xác nhận được nhập khẩu miễn thuế vào quốc gia này. Các mặt hàng này đều thuộc sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như, tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, cá basa, bạch tuộc...
Xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chủ chốt giảm trong năm 2019
Năm 2019 chứng kiến sự sụt giảm trong xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ chốt của Việt Nam. Theo số liệu 11 tháng của Tổng cục Hải quan, một số mặt hàng ghi nhận xuất khẩu giảm một con số gồm: thủy sản (giảm 2,5%), rau quả (giảm 2,9%). Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra 10 tháng đầu năm nay lần lượt giảm 6,4% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều, hồ tiêu và gạo là những mặt hàng ghi nhận xuất khẩu tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị do giá nguyên liệu giảm. Cụ thể, xuất khẩu điều tăng 21,8% về khối lượng nhưng giảm 3,2% về giá trị; xuất khẩu hồ tiêu tăng 21,4% về khối lượng nhưng giảm 6,1% về giá trị; xuất khẩu gạo tăng 4,2% về khối lượng và giảm 9% về giá trị.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê và sắn giảm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái về giá trị và giảm cả về khối lượng. Xuất khẩu cà phê giảm 15% và 22,5% lần lượt về khối lượng và giá trị. Tương tự, xuất khẩu sắn giảm 49,3% về khối lượng và 51,1% về giá trị.
Tại thị trường trong nước, giá nguyên liệu của một số mặt hàng chủ chốt như cá tra, tôm, cà phê, hồ tiêu, gạo chung xu hướng giảm. Trong đó, giá cá tra từng xuống thấp nhất 10 năm vào tháng 7. Khi đó, các nhà máy chế biến trên địa bàn chỉ thu mua với giá ở mức 18.000 – 19.000 đồng/ kg, thấp hơn khoảng 17.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, khiến người nuôi lỗ khoảng 4.000 đến 5.000 đồng/kg.
Thiếu than cho điện, Bộ Công Thương vẫn xin xuất khẩu
Theo báo cáo hồi tháng 7 của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhu cầu than cho sản xuất điện đã liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018, tương đương mức tăng 69%. Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 44,5 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc hiện chỉ đáp ứng 80% nhu cầu, tức là khoảng 36 triệu tấn.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cảnh báo tình hình sẽ khó khăn hơn trong các năm tới, nhu cầu than antraxit sẽ tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy mới vào vận hành như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình 2, Bắc Giang, Công Thanh... Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, đến năm 2020, năng lực sản xuất than trong nước cho điện là 35 triệu tấn, thiếu 24 triệu tấn phải nhập khẩu.
Trong khi đó, theo báo cáo của TKV, năm 2019 công ty được phép xuất khẩu 2 triệu tấn than. Tuy nhiên, khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2019 khoảng 1,2 triệu tấn (bằng 59% kế hoạch). Tổng công ty Đông Bắc được phép xuất khẩu 50.000 tấn, nhưng dự kiến cũng chỉ bán được 10.000 tấn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu không hết lượng than được Bộ Công Thương cho phép xuất.
Dù than xuất khẩu năm 2019 không đạt kế hoạch, hai đơn vị kể trên tiếp tục đề nghị được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than vào năm 2020. Theo phân tích của Bộ Công Thương, các công ty phân tích trên thế giới như Global Coal, Platt… dự báo giá xuất khẩu than sẽ cải thiện vào năm 2020, đạt khoảng 3,2 - 3,3 triệu đồng/tấn. Nếu xuất khẩu, giá trị kinh tế thu về cao hơn khoảng 45.000 - 215.000 đồng/tấn so với tiêu thụ loại than này ở thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngành than.
'Thẻ vàng' IUU với hải sản của Việt Nam chưa được gỡ
2019 là năm thứ 2 hải sản Việt Nam phải đối mặt với "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đợt kiểm tra vào ngày 5-14/11, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thuỷ sản thuộc EC đánh giá tích cực về những kết quả mà Việt Nam đạt được. Tuy nhiên, EC đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép, chìa khóa để gỡ "thẻ vàng" IUU.
Trả lời báo chí về công tác khắc phục thẻ vàng IUU, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho hay trong 2 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU. Điển hình là trong công tác tuyên truyền. Thêm vào đó, hệ thống luật pháp, quy định quản lý có sự thay đổi lớn thể hiện ở Luật Thủy sản hướng đến nghề cá bền vững, khắc phục IUU. Hơn nữa, các địa phương cũng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành quản lý, giảm thiểu tàu cá vi phạm tại các vùng biển nước ngoài, nỗ lực trong chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản.
Sát hạn chót với ATIGA, ngành mía đường vẫn chật vật
Ngành mía đường Việt Nam đồng thuận bắt đầu thực thi cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020. Cùng với hạn chót này, ngành mía đường được cho là sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới do buôn lậu, sự thâm nhập của đường lỏng và chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ.
Liên quan tới tình trạng buôn lậu đường, Hiệp hội Mía đường cho biết mỗi năm có khoảng 500.000 - 700.000 tấn đường nhập lậu về Việt Nam với giá rẻ hơn 15 - 20%, khiến đường trong nước sản xuất ra không thể tiêu thụ và hầu hết niên vụ nào cũng bị tồn kho. Hơn 2 năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn khiến 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Tại Hội nghị mía đường Đông Nam Á lần 4, đại diện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết cả nước chỉ còn 37 nhà máy mía đường trong năm 2018, thay vì 46 như giai đoạn 2015.
Cũng theo số liệu của hiệp hội, tổng diện tích mía nguyên liệu của năm 2019 hiện đã giảm khoảng 30-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng khiến nông dân đổ nợ, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Đã có 17 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Dự báo, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn và giá đường sẽ giảm xuống 15-20%. Giá đường xuống thấp sẽ kéo theo giá thu mua mía của người nông dân giảm. Như vậy, không phải chỉ riêng các doanh nghiệp, mà người nông dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Gạo ST25 của Việt Nam ngon nhất thế giới
Gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: The Rice Trader.
Ngày 12/11, gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh là loại gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Manila, Philippines. Đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam được vinh danh ở vị trí cao nhất kể từ khi cuộc thi World's Best Rice diễn ra vào năm 2009.
Gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua. Giống gạo ST25 ra đời mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, là hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo vào đặc biệt có mùi của dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản có thể trồng 2-3 vụ trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được một vụ vì là lúa mùa dài ngày.
Sau thông tin này, gạo ST25 tại thị trường trong nước liên tục “cháy” hàng, tiểu thương “hét” giá cao và thậm chí bị làm nhái.
Mỹ công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam là tương đương
Ngày 5/11, Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ chính thức công bố văn bản Luật từ Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) về tính hợp lệ của cá da trơn và sản phẩm từ cá da trơn Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. FSIS kết luận các sản phẩm cá da trơn, bao gồm cả cá tra, được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chứng nhận sẽ đủ điều kiện vào Mỹ. Cơ quan này sẽ kiểm tra lại hàng hóa tại các điểm nhập cảnh của Mỹ để đánh giá tình trạng nguyên vẹn của container và sản phẩm trong quá trình vận chuyển, ghi nhãn, giấy chứng nhận phù hợp.
Những sản phẩm đạt điều điện sẽ được được đóng dấu và được phép vào thị trường Mỹ. Với các sản phẩm vi phạm, cơ quan chức năng sẽ từ chối nhập cảnh và hàng hóa phải quay lại nơi nhập khẩu trong vòng 45 ngày.
Thuế nhập khẩu dầu thô về 0%
Ngày 16/9, Thủ tướng ký ban hành Quyết định 28 sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất với hàng hoá nhập khẩu. Theo đó, thuế suất nhập khẩu thông thường với mặt hàng dầu mỏ thô sẽ giảm từ 5% xuống 0% từ ngày 1/11. Mức thuế mới này ngang với thuế suất ưu đãi thông thường (MFN) đối với dầu thô nhập khẩu từ 172 nước, vùng lãnh thổ có đối xử tối huệ quốc với Việt Nam.
Quyết định này được cho là mở ra cơ hội để các nhà máy lọc dầu trong nước tiếp cận nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh. Với mức thuế 5% trước đó, các doanh nghiệp lọc dầu đều kêu lỗ nặng.
Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chế biến khoảng 85% dầu thô trong nước và 15% dầu thô nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn dầu thô trong nước đang có xu hướng giảm, vì vậy nhu cầu nhập khẩu thời gian tới sẽ tăng lên. Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết đây là tín hiệu rất khả quan, giúp công ty có thể tiếp cận nguồn dầu thô Azeri, loại dầu có trữ lượng lớn ở Azerbaijan, có chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn cao.
Giá vàng SJC lên cao nhất 6 năm
Giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh do Mỹ và Trung Quốc liên tục “tung” đòn thuế trả đũa lẫn nhau, khiến căng thẳng thương mại lên đỉnh điểm. Ảnh: Kenh14.
Đầu tháng 8, giá vàng SJC trong nước chạm đỉnh 6 năm sau khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Trong vòng 8 ngày đầu tiên của tháng 8, giá vàng miếng lần lượt vượt mốc 40 triệu đồng, 41 triệu đồng và vượt 42 triệu đồng/lượng vào ngày 8/8. Đến gần cuối tháng, giá tiếp tục tăng mạnh lên 43 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất kể từ năm 2013. Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh vào thời điểm đó là Mỹ và Trung Quốc liên tục “tung” đòn thuế trả đũa lẫn nhau, khiến căng thẳng thương mại lên đỉnh điểm.
Cùng với đó, tâm lý lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đã kích thích giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro để chạy sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ...
Thanh Long (tổng hợp)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.