Cổ phiếu lao dốc cùng kết quả kinh doanh
Cùng trỗi dậy từ năm 2015 để lập đỉnh vào cuối năm 2017, cổ phiếu 2 ông lớn ngành xây dựng Coteccons (HoSE:
CTD
) và Hòa Bình (HoSE:
HBC
) cùng giảm hơn 70%. Cổ phiếu
CTD
giảm từ mức đỉnh 225.000 đồng/cp về 53.200 đồng/cp, tức giảm 76%; trong khi cổ phiếu
HBC
trong phiên hôm nay có lúc xuống dưới mệnh giá, giảm 71% (giá điều chỉnh).
Nguồn: VNDirect
Nguồn: VNDirect
Giai đoạn 2015-2017 có thể nói là thời kỳ Hoàng kim của cả Coteccons lẫn Hòa Bình khi liên tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng cao. Với Coteccons, doanh thu tăng từ 13.669 tỷ đồng năm 2015 lên 27.153 tỷ đồng 2017, lợi nhuận sau thuế tăng từ 733 tỷ đồng lên 1.653 tỷ đồng. Trong khi, doanh thu Hòa Bình 2017 gấp 3 lần 2015 với 16.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần đạt 859 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, cùng với diễn biến kém khả quan của thị trường bất động sản, tình hình kinh doanh của 2 nhà thầu lớn nhất nước bắt đầu đi xuống. Coteccons lần đầu ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm kể từ 2011 và Hòa Bình báo lãi giảm 27% 5 năm liên tục tăng.
Tình hình không cải thiện trong 9 tháng năm nay, Coteccons và Hòa Bình cùng công bố lợi nhuận sau thuế giảm 60% và 51% so cùng kỳ năm trước.
Không chỉ lợi nhuận suy giảm, doanh thu 9 tháng của Coteccons cũng giảm 21,7% cùng kỳ về 16.262 tỷ đồng. Doanh nghiệp đầu ngành xây dựng lý giải do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp. Thị trường bất động sản khó khăn làm đơn vị bị chậm trễ trong việc thu hồi dòng tiền phải dùng tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký.
Hòa Bình vẫn duy trì đà tăng doanh thu nhưng biên lãi gộp giảm mạnh từ 9,8% cùng kỳ về 6,7%. Dù doanh nghiệp đã cắt giảm các loại chi phí quản lý, chi phí bán hàng nhưng không ngăn được đà giảm của lợi nhuận.
Tìm hướng đi mới
Theo Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án triển khai và hoàn thành thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều dự án nhà ở "đứng hình" do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cảnh báo trong 9 tháng, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIG (HoSE: DIG) cho biết việc triển khai dự án bất động sản thời gian tới sẽ khó khăn hơn do nhiều cuộc thanh tra, tín dụng bất động sản bị siết chặt và thị trường condotel bị ảnh hưởng từ vụ Cocobay vỡ trận.
Dù vậy, vẫn có điểm sáng ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp nhờ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á bao gồm Việt Nam. Báo cáo của SSI Research cho biết vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm giảm nhưng số lượng dự án tăng cao đi cùng nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục. Trung Quốc đứng số 2 về cả giá trị lẫn số lượng dự án FDI đăng ký mới vào Việt Nam với 2,1 tỷ USD và 541 dự án, tăng 169% và 83%. Nhà đầu tư Hong Kong cũng tăng mạnh vốn đăng ký mới với 1,63 tỷ USD, tăng 151%.
Trong bối cảnh đó, Hòa Bình cho biết năm 2020 động lực tăng trưởng sẽ đến từ mảng xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Cơ cấu lợi nhuận gồm 60-65% từ mảng xây dựng dân dụng và 35-40% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng. Công ty mua lại 57% vốn Công ty 479 – đơn vị tách từ Tổng công ty Cienco4 chuyên về thi công hạ tầng.
Hòa Bình cho biết thêm năm 2020, số lượng hợp đồng đã ký và chưa thực hiện có thể đạt 21.000 tỷ đồng gồm 16.000 tỷ từ mảng dân dụng và 5.000 tỷ từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh đầu tư nước ngoài ở Trung Đông, Myanmar, Cannada… khi đánh giá quy mô thị trường nước ngoài lớn gấp trăm lần trong nước và lợi nhuận thu về gấp cả chục lần.
Với Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên rằng công ty sẽ tối ưu hóa mô hình Design & Build (thiết kế và xây dựng), tập trung nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh phân khúc xây dựng nhà xưởng và hoạt động đầu tư bất động sản.
Kết quả kinh doanh 2018 của Coteccons cho thấy tỷ trọng doanh thu từ các dự án nhà xưởng đã tăng từ 11% lên 31% trong khi mảng dân dụng (nhà ở - chung cư) giảm từ 68% xuống 44%.
Ngọc Điểm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.