Năm 2018 kết thúc trong “cay đắng” với tháng 12 tệ nhất kể từ Đại suy thoái 2008 – 2009, khiến Phố Wall có năm giảm đầu tiên trong 3 năm. Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong năm nay nhưng không hề dễ dàng, với hai yếu tố chính là thương mại và Fed liên tục khiến Phố Wall biến động.
Căng thẳng thương mại
Cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong chính sách thương mại, bao gồm thuế và đe dọa, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nhà đầu tư và tâm lý doanh nghiệp. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là tiêu điểm, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục áp thuế lên hàng hóa của nhau, các cuộc đàm phán hứa hẹn giải quyết được vấn đề lại chỉ làm tăng căng thẳng.
Phố Wall biến động theo các tin tức liên quan, tạo ra các đợt tăng giảm lớn nhất năm
Tháng 8 là tháng đặc biệt bất ổn và các thông tin từ Nhà Trắng không giúp được gì. Ngày 23/8 là một ví dụ. Phố Wall có ngày biến động mạnh nhất năm, trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế đáp trả và ông Trump đăng trên Twitter rằng “chúng ta không cần Trung Quốc và, thành thật mà nói, còn tốt hơn nhiều nếu không có họ”.
Các tài sản khác cũng có một năm đáng chú ý.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 0,8%. Lợi suất và giá trái phiếu thường diễn biến ngược chiều.
Trong hè 2019, nhà đầu tư thêm lo ngại khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn bất ngờ vượt lợi suất trái phiếu dài hạn, tức đảo chiều đường cong lợi suất, được cho là dấu hiệu chỉ báo suy thoái.
Sau đó, chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh, lợi suất trái phiếu giảm. Những diễn biến này phản ánh sự bất ổn do áp lực từ thương chiến lên thị trường thế giới gây ra.
Fed hành động
Fed năm nay thay đổi quan điểm, sau khi tăng lãi suất trong năm 2018 với lý do kinh tế Mỹ đã phục hồi từ Đại suy thoái. Đến tháng 7, Fed lo ngại về triển vọng kinh tế và bắt đầu hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, chuyển hướng khỏi lộ trình chính sách đưa ra trước đó.
Lãi suất thấp hơn có lợi cho các doanh nghiệp, tốt cho thị trường chứng khoán. Fed nới lỏng chính sách tiền tệ là nền tảng tốt để Phố Wall tăng phần lớn phiên giao dịch năm nay, đối trọng với tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và xu hướng tăng trưởng giảm tốc trên thế giới.
Đến tháng 10, Fed đã hạ lãi suất ba lần, Bắc Kinh và Washington quay lại bàn đàm phán và dần đạt đồng thuận về thỏa thuận thương mại sơ bộ, lo ngại suy thoái giảm bớt.
“Để chắc chắc, Fed áp dụng các chính sách phòng ngừa từ tháng 7 đến tháng 10, hạ lãi suất ba lần. Tác động thực tế của đợt nới lỏng này không quan trọng bằng việc Fed đánh tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế và thị trường nếu cần”, Scott Clemons, giám đốc đầu tư chiến lược tại Brown Brothers Harriman, nói.
Trong khi đó, thị trường liên tục lập đỉnh lịch sử.
S&P 500 tăng khoảng 29% trong năm nay, năm tốt nhất kể từ 2013.
Nasdaq tăng nhiều nhất trong ba chỉ số chính của Phố Wall, trên đà chốt năm với mức tăng 36%, cũng là năm tốt nhất kể từ 2013. Nasdaq còn có đợt tăng dài nhất kể từ tháng 7/2009, lần đầu vượt mốc 9.000 điểm.
Dow Jones tăng gần 23%, có năm tốt nhất 2 năm.
Diễn biến lãi suất tại Mỹ và châu Âu qua các năm.
Lĩnh vực sản xuất của Mỹ chịu tác động mạnh từ bất ổn thương mại nhưng tiêu dùng – xương sống của kinh tế Mỹ - vẫn mạnh mẽ.
“Dự kiến, Phố Wall năm 2020 sẽ tăng hơn nữa do thị trường tin chắc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, thị trường ổn định, tiêu dùng mạnh và những yêu tố tiêu cực trong năm 2019 lại trở thành tích cực trong năm 2020”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Dù vậy, Mỹ và Trung Quốc chưa ký thỏa thuận thương mại toàn diện, Nhà Trắng dọa tái áp thuế với nhôm và thép từ Brazil, Argentina hồi đầu tháng 12, Mỹ vẫn có thể áp thuế nhập khẩu với xe hơi châu Âu. Do đó, vấn đề thương mại vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.
Như Tâm (Theo CNN)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.