Dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi các quý tiếp theo với việc đang xuất hiện ở 23 tỉnh thành, khiến 82.000 con lợn bị tiêu hủy.
Thông tin được ông Lê Trung Hiếu, Phó Vụ trưởng Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo kinh tế xã hội quý I sáng 29/3,
Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng GDP. Ảnh: Reuters.
Giá trị của lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi, 1,2% ngành nông, lâm, thủy sản. So với kịch bản năm 2018, Tổng cục Thống kê vẫn xác định ngành chăn nuôi là điểm sáng cho tăng trưởng 2019.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết dịch tả lợn châu Phi làm giảm giá trị ngành chăn nuôi 0,82% so với kịch bản, tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quý I. Quý I/2019, GDP tăng trưởng ở mức 6,79%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi sẽ còn kèo dài. "Ở miền Bắc, ít nhất phải sang mùa hè mới hạn chế được dịch bệnh", ông Hiếu nhận định.
Tống cục Thống kê dự báo, quý II, dịch tả lợn châu Phí sẽ tiếp tục tác động làm giảm 1,3% giá trị của ngành chăn nuôi so với kịch bản. Dịch này sẽ ảnh hưởng làm giảm 0,04 điểm phầm trăm tăng trưởng GDP quý II.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá cho hay dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4. Dịch tả lợn khiến cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm, đây là một rủi ro cho giá thịt lợn.
"Giá lợn có thể tăng cao trở lại từ tháng 6. Khi đó, người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn, nguồn cung thiếu hụt sau dịch, người dân không tái đàn... dẫn tới giá lợn tăng", bà Ngọc nhận định.
Trong tháng 3, giá thịt lợn giảm 5,3% so với tháng 2 do ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn bà dịch vụ ăn uống giảm 1,42%, góp phần giảm CPI chung 0,51%.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.