Những sự hiểu nhầm trong các lần đàm phán gần đây nhất và thiếu vắng một phiên bản tiếng Trung chính thức về những yêu cầu từ phía Mỹ là vật cản lớn hơn cả cơ chế nhằm đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ cam kết, Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm chiến lược về Trung Quốc tại Viện Hudson, trụ sở Washington, nói.
Pillsbury đưa ra nhận định trên sau khi Tổng thống Donald Trump tuần trước cho rằng Mỹ có thể vẫn duy trì thuế với hàng hóa Trung Quốc “trong một giai đoạn nhất định” để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ cam kết trong thỏa thuận.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tới Trung Quốc để đàm phán thương mại trong hai ngày 28 - 29/3 với mục tiêu thiết lập chi tiết nội dung một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington trong tuần sau để tiếp tục tiến trình.
Theo Pillsbury, Tổng thống Trump “chưa hoàn toàn hài lòng” với thỏa thuận đạt được khi ông thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017, dẫn đầu phái đoàn đàm phán Mỹ khi đó là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Trump cũng “không ủng hộ kết quả” đàm phán hồi đầu năm 2018 khi ông Mnuchin chịu trách nhiệm.
“Giờ chúng ta đang trông chờ vào phái viên thứ ba, năm của Lighthizer”, Pillsbury nói. “Có quá nhiều sự lạc quan khi ông Lưu rời Washington hôm 26/2”.
Ông không đồng ý với bình luận do cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra hôm 28/2 về vòng đàm phán trước đó. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Kudlow nói Lighthizer đã chỉ trích gay gắt phía Trung Quốc để quay lại bàn đàm phán sau khi những khó khăn trong ngày thảo luận đầu tiên đã khiến tiến trình bị gián đoạn trong ngày thứ hai.
“Lighthizer đã cảnh cáo họ. Và Phó thủ tướng Lưu Hạc phản ứng. Bất chợt mọi thứ trở nên tốt hơn”, Kudlow nói, gửi đi thông điệp tích cực về điều ông mô tả là “hướng thẳng đến một thỏa thuận lịch sử đáng chú ý” dù “chúng tôi vẫn cần lắng nghe ý kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Pillsbury cho rằng hành động của Kudlow sẽ khiến phe cứng rắn ở Trung Quốc cảm thấy phái đoàn Mỹ “bắt nạt” phái đoàn Trung Quốc và không tôn trọng ông Lưu.
“Lo ngại của họ là Trung Quốc đã bị bắt nạt và phải có những nhượng bộ không phù hợp. Chúng ta có thể thấy lập luận này trên báo chí Trung Quốc hiện nay”, Pillsbury nói. “Tôi tin Trung Quốc đủ cứng rắn và sẽ không chấp nhận một số yêu cầu từ Mỹ” bởi họ sợ sẽ phạm sai lầm.
“Chúng ta vẫn còn trong năm của Lighthizer. Có thể lạc quan rằng sẽ có một thỏa thuận nhưng cũng có thể thất vọng vì còn nhiều mâu thuẫn. Những sự hiểu lầm không cần thiết dường như đã xảy ra”.
Một phần rắc rối có thể là vì không có phiên bản tiếng Trung cho thỏa thuận mà Trung Quốc cần đồng ý, dự kiến dày 120 trang.
“Khi chuyển sang tiếng Trung, có rất nhiều sắc thái hoặc cách diễn đạt có thể lựa chọn”, Sherman Katz, thành viên Trung tâm nghiên cứu Tổng thống và quốc hội, nói.
Hai bên đã hé lộ phần nào các yêu cầu trong đàm phán thương mại, kể từ tháng 5/2018. Mỹ đưa ra 28 yêu cầu, Trung Quốc đưa ra 10 yêu cầu. Điều đó khiến lãnh đạo hai bên đều chịu áp lực trong nước, phải giữ vững lập trường.
Tuy nhiên, Pillsbury cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc có nhượng bộ để đạt thỏa thuận trong ngắn hạn bởi họ đang lo ngại về “sự bất ổn và chững lại trong tăng trưởng kinh tế”.
Như Tâm/Theo SCMP
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.