Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - đã có những chia sẻ vớiNgười Đồng Hành liên quan các định hướng về thị trường phái sinh trong năm 2019 và mức phí phái sinh mới áp dụng.
- HNX đang kiên định phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Ông có thể chia sẻ một số định hướng trong năm nay?
- 2019 cũng là năm Sở tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) theo lộ trình phát triển sản phẩm đã được trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Sở sẽ ra mắt sản phẩm mới hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và nghiên cứu xây dựng HĐTL trên chỉ số cổ phiếu VNX200.
Đối với HĐTL trái phiếu Chính phủ, sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu cơ sở kết hợp với kinh nghiệm quốc tế tại các TTCKPS phát triển trên thế giới, cơ quan quản lý thị trường đã quyết định tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Phương thức thanh toán là chuyển giao vật chất.
Cơ sở pháp lý cho sản phẩm đã hoàn thiện. HNX đã phối hợp với Trung tâm lưu ký (VSD) và các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống, sẵn sàng đưa sản phẩm vào giao dịch. Chúng tôi đang đợi chấp thuận để được triển khai vào quý II/2019.
Đối với HĐTL chỉ số, trên cơ sở đánh giá HĐTL trên chỉ số VN30, HNX đang nghiên cứu và xây dựng HĐTL chỉ số cổ phiếu mới là VNX200.
HNX và HoSE đang tích cực phối hợp để xây dựng chỉ số này và dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Chỉ số có 3 đặc điểm. Thứ nhất, bao gồm cổ phiếu niêm yết trên cả HNX và HoSE, do đó mang tính đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, chỉ số có số lượng cổ phiếu thành phần lớn nhằm giảm thiểu tác động về biến động giá bất thường của một vài cổ phiếu đối với toàn bộ chỉ số. Thứ ba, áp dụng một số thay đổi về phương pháp làm tròn free-float, tỷ lệ giới hạn của tỷ trọng vốn hóa và phương án xử lý biến động bất thường nhằm xây dựng chỉ số có tính chính xác cao nhất.
Sau khi chỉ số này chính thức vận hành một thời gian, Sở GDCK Hà Nội sẽ đánh giá và đề xuất các điều khoản mẫu đối với sản phẩm HĐTL, lấy ý kiến thành viên thị trường và trình UBCKNN phê duyệt trước khi chính thức áp dụng.
Về kế hoạch trung hạn, Sở dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm phái sinh mới là hợp đồng quyền chọn trên chỉ số cổ phiếu, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ.
2019 được Sở GDCK Hà Nội xác định là năm nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm mới để chuẩn bị cho việc ra mắt các sản phẩm mới, có thể áp dụng từ sau năm 2020 nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người đầu tư và theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ.
- HNX mới áp dụng việc thu phí 3.000 đồng/HĐTL, ông có thể giải thích về mức phí này và tại sao thời điểm này lại áp dụng?
- Với quan điểm hỗ trợ sự phát triển của thị trường, ngay từ giai đoạn chuẩn bị thị trường, HNX và VSD đã chủ động đề xuất, được Bộ Tài chính chấp thuận miễn giá dịch vụ chứng khoán phái sinh trong thời gian đầu vận hành thị trường.
Hưởng ứng quan điểm hỗ trợ thị trường, các CTCK thành viên cũng đã miễn phí giao dịch cho người đầu tư trong thời gian 3 tháng kể từ khi khai trương thị trường. Sau 3 tháng, các CTCK bắt đầu thu phí dịch vụ phái sinh và từ đó đến nay cũng đã có một số điều chỉnh mức thu cho phù hợp và mang tính cạnh tranh.
Thông tư số 127 quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở GDCK và VSD có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/2. Trong đó, mức giá dịch vụ giao dịch HĐTL chỉ số cổ phiếu là 3.000 đồng/HĐTL.
Mức thu giá dịch vụ giao dịch được tính trên đơn vị hợp đồng (thay vì % giá trị giao dịch như thị trường chứng khoán cơ sở) vì giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh mang ý nghĩa danh nghĩa. Cách thu giá dịch vụ này phù hợp với thông lệ quốc tế, được nhiều sở giao dịch trên thế giới và khu vực áp dụng. Mức giá dịch vụ được quy định theo giá trị tuyệt đối 3.000 đồng, có ý nghĩa trực quan, dễ hiểu, dễ tính toán, được nhiều SGDCK trên thế giới lựa chọn.
Ngoài ra, mức giá 3.000 đồng/HĐTL mang tính cạnh tranh so với các thị trường khác, đây là mức thấp nhất trong khu vực. Có thể kể đến một số SGDCK trong khu vực với mức thu cao hơn mức phí hiện tại mà HNX áp dụng như: TAIFEX (Đài Loan) áp phí 12 Đài tệ/HĐTL đối với HĐTL chỉ số TAIEX (khoảng 9.000 đồng), Bursa Malaysia áp phí 4 Ringgit/HĐTL đối với sản phẩm HĐTL chỉ số KLCI (tương đương 22.800 đồng), SGD TFEX (Thái Lan) áp dụng mức phí giao dịch 7 baht/HĐTL đối với HĐTL chỉ số SET50 (tương đương 5.100 đồng).
-Có ý kiến cho rằng trong khi các công ty chứng khoán chạy đua giảm phí phái sinh, việc thu phí của HNX và VSD trong giai đoạn này là mức “hãm phanh” nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thời điểm áp dụng giá dịch vụ trên thị trường phái sinh khi Thông tư 127 có hiệu lực. Trong báo cáo lên Bộ Tài chính, Sở cũng dự đoán sau khi Thông tư có hiệu lực, khối lượng giao dịch của thị trường có thể điều chỉnh giảm do nhà đầu tư phải cân nhắc điều chỉnh việc đầu tư để có thể sinh lời.
Quan sát tình hình giao dịch trước và sau khi Thông tư có hiệu lực, chúng tôi thấy khối lượng giao dịch (KLGD) điều chỉnh giảm. Từ đầu năm đến 14/2, KLGD trung bình là 126.473 hợp đồng/phiên. Và từ 15/2 đến 28/2, KLGD trung bình là 110.495 hợp đồng/phiên.
Việc giảm thanh khoản trên thị trường phái sinh chưa nhiều, và trong một số phiên gần đây thanh khoản đã phục hồi trở lại. Theo thông lệ quốc tế, muốn điều chỉnh thanh khoản thì còn phương án điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ. Thực tế, trong khi mức phí của Việt Nam thấp thì mức ký quỹ hiện tại của Việt Nam là tương đối cao hơn so với các thị trường khác.
- Cảm ơn ông.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.