Việt Nam thuộc top 3 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhận định ngành dệt may Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong khoảng 30 năm nay trở lại đây.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 36,2 tỷ USD hàng dệt may đi các thị trường, tăng 16% so với năm 2019 và tăng từ mức 55 triệu USD của năm 1995, và trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu hàng dệt may. VITAS dự báo con số này sẽ tăng lên 40 tỷ USD trong năm 2019 nhờ Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Ông Vương Đức Anh, trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định Việt Nam đang bám sát Ấn Độ về xuất khẩu dệt may và hiện nằm trong top 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
"Trong khi đó, các nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới như Trung Quốc lại tăng trưởng dưới 5%, hay như Ấn Độ và Bangladesh giảm lần lượt 2% và 3,7%”, ông Đức Anh cho biết tại Hội thảo “Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam” ngày 10/4.
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, nhưng tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường. Điều này tác động rất lớn đến những ngành hướng tới xuất khẩu như dệt may. “Chiến tranh thương mại khiến giá bán sợi giảm. Khi đàm phán giữa hai bên có nhiều tín hiệu tích cực, giá sợi mới bắt đầu phục hồi”.
Một yếu tố khác là chính sách tiền tệ của thế giới. “Năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất 4 lần, khiến các nước khác cũng tăng lãi suất theo. Lãi suất tăng khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn do ảnh hưởng từ tỷ giá của tiền đồng”, ông Đức Anh chia sẻ.
Về cơ cấu doanh nghiệp, ông Đức Anh cho rằng Sau khoảng 5 – 10 năm nữa, con số này sẽ thay đổi, số doanh nghiệp làm xơ sợi hoàn tất sẽ tăng lên.
Xuất khẩu khó về xuất xứ, nhập khẩu khó về nguyên liệu
Ngành dệt may Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng bắt đầu lộ diện nhiều điểm yếu khi tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA. Hai hiệp định này đặt ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, trong đó CPTPP quy định xuất xứ từ sợi và EVFTA quy định xuất xứ từ vải phải nhập từ các quốc gia thuộc CPTPP mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
“Đây chính là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì doanh nghiệp cũng không thể tận dụng được tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do”, ông Trương Văn Cẩm phát biểu
Đồng tình với quan điểm của ông Cẩm, ông Vương Đức Anh, trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết Việt Nam xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD nhưng vẫn phải nhập khẩu vải 2,7 tỷ USD. Nguồn vải của dệt may phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu từ bên ngoài, phần lớn là từ các nước bên ngoài CPTPP.
“Nếu toàn bộ sợi của Việt Nam dùng hết cho ngảnh vải thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành dệt may Việt Nam”, ông Đức Anh cho biết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sợi của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để sản xuất hàng chất lượng cao.
Dư địa xuất khẩu hàng dệt may vào CPTPP rất lớn
Nói về các hiệp định thương mại tự do, đại diện của Vinatex cũng như phó chủ tịch VITAS đều cho rằng CPTPP sẽ là động lực giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như liên kết chặt chẽ hơn ở thị trường trong nước.
Dung lượng thị trường dệt may của CPTPP là 83 tỷ USD, với hàng dệt may của Việt Nam xuất sang các nước thành viên hiện đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 6,3%. Trong đó, khoảng 4 tỷ USD là xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường 40 tỷ USD này chỉ là 10%, thấp hơn nhất nhiều so với Trung Quốc (72,6%).
Tương tự, thị phần của Việt Nam tại Canada chỉ 5% trong khi nhu cầu hàng dệt may của thị trường này là 13 – 14 tỷ USD. Tại Australia và Mexico với nhu cầu lầm lượt là 9 tỷ USD và 10 tỷ USD, hàng dệt may của Việt Nam cũng chỉ chiếm 2,3%.
“Vì vậy, dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường CPTPP rất lớn”, theo nhận định của ông Đức Anh.
Về ngắn hạn, CPTPP tạo ra thách thức đối với doanh nghiệp may do các doanh nghiệp này đang phụ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu từ bên ngoài CPTPP. Hiện CPTPP chỉ cung cấp được khoảng 7,6%, tương đương 1,3 tỷ USD lượng sợi, vải trong tổng nhu cầu 18 tỷ USD của Việt Nam.
Về dài hạn, CPTPP hay EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra quy mô thị trường đủ lớn để kích thích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu vào lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất, hình thành chuỗi liên lết trong ngành dệt may từ ngành sợi đến ngành vải và ngành may.
Trên thực tế, từ thời điểm Hiệp định TPP kết thúc đàm phán vào năm 2015, số dự án FDI vào ngành dệt may đạt kỷ lục 197 dự án với tổng vốn đăng ký gần 2,6 tỷ USD, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Mặc dù có giảm vào năm 2017, FDI vào dệt may sau đó có xu hướng phục hồi, với 146 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 1,7 tỷ USD trong 2018.
Theo ông Đức Anh, để tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay EVFTA, doanh nghiệp dệt may của Việt Nam phải hình thành được chuỗi liên kết. Việc này cũng sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực khi thị trường biến động, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.
Một thách thức lớn khác mà doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết là môi trường. “Dệt may là một trong những ngành có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu muốn phát triển bền vững trong dài hạn, doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành dệt may nói chung phải giải quyết vấn đề môi trường, tiết kiệm năng lượng”, Phó chủ tịch VITAS bổ sung.
Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp gia công chiếm tới 85%, trong khi doanh nghiệp vải, nhuộm hoàn chỉ chiếm 13%.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.