Báo cáo chứng khoán Rồng Việt dẫn số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành thành công năm 2018 đạt 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm trước. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 là 474.500 tỷ dồng, tăng 53% so với cùng ký 2017 và đạt 8,6% GDP 2018.
Dựa trên khảo sát mẫu kết quả phát hành TPDN của các doanh nghiệp niêm yết, VDSC nhận thấy ngân hàng, dịch vụ tài chính và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành thành công. Ngoại trừ khối ngân hàng, thời gian đáo hạn TPDN tại hầu hết các ngành nghề chủ yếu dưới 3 năm.
Về khối ngân hàng, các nhà băng đẩy mạnh phát hành TPDN nhằm tăng quy mô vốn cấp 2 và bổ sung nguồn vốn dài hạn, lãi suất phát hành thành công dao động quanh 7,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và nhà nước. Ngân hàng TMCP Nhà nước có xu hướng phát hành TPDN kỳ hạn dài, trên 5 năm, trong khi nhóm còn lại đang tập trung huy động TPDN kỳ hạn 3 năm.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán và đầu tư, đại diện cho nhóm dịch vụ tài chính tích cực phát hành trong năm qua với quy mô huy động 500 - 1.2000 tỷ đồng và thời hạn chủ yếu từ 2 - 3 năm. Lợi tức TPDN phát hành của nhóm này trong khoảng 8% - 10,5%/năm.
Những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Vingroup (và các công ty thành viên), Novaland, Đất Xanh, v.v... Chủ trương hạn chế dòng vốn tín dụng vào khu vực bất động sản, đặc biệt các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hơn trên thị trường tài chính. Mục đích sử dụng vốn chủ yếu hướng tới phát triển các dự án bất động sản với thời hạn khoảng 2 năm.
Về biến động lãi suất, lợi tức TPDN thông thường của Vingroup ghi nhận trong năm 2018 ở mức 10%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 10,3%/năm trong năm 2017.
Theo báo cáo, khối lượng trái phiếu đang lưu hành của Vinhomes, Masan Consumer và Vingroup là 33,2 nghìn tỷ.
Danh sách 30 công ty phát hành TPDN. Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á, FiinPro, CTCK Rồng Việt
Mặt bằng lợi tức 8-10%/năm
Trong thời gian qua, VDSC ghi nhận mặt bằng lợi tức TPDN đã giảm khá mạnh và đang ổn định trong khoảng 8%-10%/năm đối với trái phiếu thông thường. Do đó, mặt bằng lợi tức TPDN cơ bản tạo được sự chênh lệch đáng kể với lãi suất huy động và cho vay tại hệ thống ngân hàng. Theo công bố từ NHNN, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng trong khoảng 6,6%-7,3%/năm còn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 9%-11%/năm.
Trên thị trường, ngoài khối ngân hàng có thể phát hành TPDN với lợi tức quanh 7,5%/năm, VDSC ghi nhận sự tham gia ngày càng nhiều của các định chế tổ chức quốc tế lớn đóng vai trò bảo lãnh phát hành. Các trường hợp điển hình phải kể đến như MWG, CII, MSN... với lợi tức phát hành dưới 7%.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.