Sáng 8/4, CTCP Chế tạo Cơ điện Hà Nội (mã:
HEM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Các cổ đông đồng ý cho Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric), cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, được mua thêm cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% từ mức 75,58% hiện tại không cần chào mua công khai. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận trên sàn UPCoM.
Cũng trong tờ trình gửi cổ đông, HĐQT cũng cho biết trong trường hợp Gelex Electric sở hữu toàn bộ cổ phần
HEM, doanh nghiệp này có khả năng sẽ không đủ điều kiện để đăng ký giao dịch.
Cổ phiếu
HEM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu luôn thấp chỉ khoảng vài trăm, vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Cá biệt, có hơn 74.000 cổ phiếu
HEM được khớp lệnh trên sàn hôm 28/1.
Gelex Electric là công ty con do Tổng công ty Thiết bị điện (Gelex, HoSE:
GEX) sở hữu toàn bộ với mức vốn điều lệ 2.218,7 tỷ đồng. Lý do Gelex muốn thâu tóm 100% vốn, theo giải trình, là bởi xác định
HEM là công ty chủ lực trong lĩnh vực động cơ điện và dịch vụ sửa chữa động cơ điện.
Năm 2018,
HEM đã nhận chuyển nhượng hơn 65% vốn CTCP Chế tạo máy điện Việt Nam – Hungary (Vihem) thông qua phát hành cổ phiếu hoán đổi. Đợt phát hành vừa kết thúc vào cuối tháng 3, nâng vốn điều lệ
HEM từ 368 tỷ đồng lên hơn 387 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Bùi Quang Vinh, Tổng giám đốc
HEM, cho biết thị phần sau M&A của công ty tăng lên khoảng 20%. Trước đó,
HEM nắm giữ khoảng 5-7% thị phần, trong khi thị phần của Vihem chiếm 10-12%.
“Trong lĩnh vực kinh doanh động cơ điện, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của
HEM là các sản phẩm từ Trung Quốc, các sản phẩm sử dụng lại (secondhand) do có giá bán rẻ hơn”, ông Vinh cũng cho hay.
HEM đang chế tạo động cơ điện phục vụ cho mục đích dân dụng, công nghiệp và dự án. Ông Vinh cho biết nhóm sản phẩm phục vụ công nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Doanh thu hợp nhất năm 2018 của
HEM đạt 542,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 94,1 tỷ đồng. Dù mới gần hoàn thành kế hoạch (94%) nhưng tăng trưởng lợi nhuận đạt 17%. Cổ tức chia trong năm là 15%, bằng tiền mặt.
Theo chia sẻ của ông Vinh, riêng SAS-CTAMAD, liên doanh sở hữu khách sạn Melia, đóng góp 39,9 tỷ đồng qua số cổ tức chi trả. Con số trên tương đương khoảng 42% lợi nhuận trước thuế.
HEM là đơn vị sở hữu 35% vốn góp liên doanh này. 65% cổ phần tại đây thuộc về SAS Trading, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Năm 2018, khách sạn Melia đã thu về khoản lãi 168 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm trước đó.
Trong năm 2019,
HEM đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100 tỷ đồng và tiếp tục chia cổ tức 15%.
Ngoài thương vụ thâu tóm Vihem, công ty cũng đã mua thêm 48,65% cổ phần của trường cao đẳng Công nghệ Hà Nội (có vị trí ngay sát công ty) từ các cổ đông cá nhân, nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% trong năm vừa qua.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên,
HEM cũng trình và được các cổ đông không kể Gelex cho phép các hợp đồng, giao dịch ký kết có giá trị 35% trở lên giữa
HEM với Gelex cùng các công ty thành viên trực thuộc.
Cũng trong đại hội này,
HEM bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới với chỉ 3 thành viên, mức tối thiểu theo quy định áp dụng với công ty đại chúng. Ngoài giảm số lượng thành viên HĐQT để “tinh gọn bộ máy”,
HEM thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý, bỏ Ban kiểm soát và thay bằng ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT.
An An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.