Dự báo thị trường gần đây của các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu đều cho rằng bất động sản (BĐS) công nghiệp đang là xu hướng đầu tư có triển vọng ở Việt Nam.
Từ việc nhìn thấy cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, một số chuyên gia thậm chí nhận định BĐS công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có những quan điểm khá cẩn mực khi nhận định về tính "hấp dẫn" của BĐS công nghiệp.
“Cơ hội được nhìn thấy rất rõ”
Nói về cơ hội của BĐS công nghiệp, GS Đặng Hùng Võ khẳng định: “Cơ hội đã được báo hiệu từ trước và bây giờ, chúng ta đang thấy rõ hơn bao giờ hết”.
Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tất yếu dẫn đến sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có thể có Việt Nam. Nếu nắm bắt được cơ hội, thị trường BĐS công nghiệp, bao gồm đất đai, nhà xưởng… sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng cơ hội để BĐS công nghiệp phát triển hiện nay là điều “ai cũng có thể nhìn thấy”.
Ngoài ra, cả 2 chuyên gia đều cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo cơ hội cho toàn bộ thị trường BĐS Việt Nam, không riêng BĐS công nghiệp.
“Khi có chiến tranh thương mại, lượng nhân công từ Trung Quốc sẽ đổ về Việt Nam, tất yếu phát sinh nhu cầu về văn phòng, nhà ở và nhu cầu du lịch. Như vậy, BĐS nhà ở, văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp sẽ được hưởng lợi”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Báo cáo Đánh giá tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Việt Nam do TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện cũng chỉ ra cơ hội của thị trường BĐS. Số liệu của Amcham tại Trung Quốc và một số khảo sát khác được dẫn ra cho thấy khoảng ít nhất 30% doanh nghiệp Mỹ, gần 50% doanh nghiệp các quốc gia khác tại Trung Quốc đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thậm chí, một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Chẳng hạn, công ty Sintai Furniture của Trung Quốc sản xuất bàn ghế nội thất đang chuyển 20% hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ.
Trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư này, nhu cầu BĐS công nghiệp và nhà ở cao cấp và bình dân được dự báo sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở các địa bàn lân cận Trung Quốc, các địa bàn có khả năng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng, hợp lý.
Theo nhóm nghiên cứu, trong ngắn hạn, nhu cầu BĐS công nghiệp và nhà ở cao cấp và bình dân đang hiện hữu. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận định việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, sàng lọc dự án, dòng vốn đầu tư là cần thiết
Cơ hội và tận dụng cơ hội là 2 việc khác nhau
“Chúng ta có cơ hội, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ nắm bắt được tất cả cơ hội đó. Có nhiều vấn đề chúng ta phải thay đổi mà trước hết là pháp lý, cơ sở vật chất và chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Về cơ sở hạ tầng, có những ý kiến cho rằng trong quá trình đầu tư khu công nghiệp, việc tính toán phát triển yếu tố này còn thiếu đồng bộ và trở thành điểm yếu trong việc thu hút đầu tư.
GS Đặng Hùng Võ bình luận: “Nói đến hạ tầng, chúng ta phải cải thiện, nhưng hạ tầng không chỉ gồm điện, đường hay nước... hạ tầng trong bối cảnh hiện nay còn có công nghệ thông tin, phải làm thế nào để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 4.0 thì mới tạo thế mạnh để thu hút được doanh nghiệp đầu tư BĐS công nghiệp”.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng cải thiện cơ sở vật chất, trước hết nằm ở góc nhìn vĩ mô là quy hoạch, sau đó phải bàn đến việc thu hút vốn. Theo chuyên gia này, để khắc phục điểm yếu này thì phải tận dụng được nguồn lực xã hôi, các dự án hợp tác công tư và nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.
Về mặt pháp lý, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cơ quan quản lý phải rà soát, chọn lọc các dự án FDI, không để nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào FDI.
Thuỷ Tiên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.