MSCI vừa công bố báo cáo cơ cấu danh mục định kỳ quý II với rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index, theo đó loại toàn bộ 14 cổ phiếu Argentina do thị trường này sẽ được nâng hạng lên Emerging Markets với tỷ trọng 0,26%.
Người Đồng Hành xin dịch bài viết của ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, về những việc Việt Nam cần làm để được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM).
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển đáng kể trong vài năm qua, làm xuất hiện đồn đoán việc Việt Nam sắp được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên (FM) lên thị trường mới nổi (EM).
Pakistan trở thành EM vào năm 2017 nhưng Bloomberg hồi tháng 3 đưa tin nước này cobị đưa trở lại nhóm FM do không đạt một số tiêu chí. Vốn hóa thị trường chứng khoán Pakistan hiện khoảng 54 tỷ USD. Argentina, quốc gia thường xuyên ở bên bờ vực tài chính, vốn hóa thị trường chứng khoán 140 tỷ USD, có thể thành EM trong năm nay.
Kuwait, vốn hóa thị trường 96 tỷ USD trong năm 2018, có thể được đưa vào danh sách theo dõi cân nhắc nâng hạng EM vào năm 2020. Việt Nam, vốn hóa thị trường 170 tỷ USD, khả năng cao không được đưa vào danh sách theo dõi trong năm nay như Kuwait.
Việt Nam đã đạt hầu hết các yếu tố định lượng của MSCI để được vào danh sách EM như quy mô thị trường, đủ số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn đáp ứng yêu cầu về khối lượng thanh khoản hàng ngày cùng các thước đo khác. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số việc cần làm để đáp ứng yếu tố định tính của MSCI, tập trung vào sự đón nhận đầu tư nước ngoài và khả năng dòng vốn ra/vào Việt Nam.
Cần thay đổi gì?
Trở ngại lớn nhất để vào danh sách EM liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài (room - FOL). Đây là yếu tố hạn chế khả năng nhà đầu tư nước ngoài mua những cổ phiếu họ muốn, là khó khăn trong quản lý quỹ với các nhà quản lý quỹ ngoại.
Khi một cổ phiếu đã cạn room, cách duy nhất để nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu thêm là mua lại từ bên nước ngoài khác, thường được thực hiện với mức phí 7 – 10% giá thị trường vào thời điểm đó. Phí giao dịch nói trên khiến các giao dịch giữa nhà đầu tư ngoài phải diễn ra ngoài sàn, dẫn đến phải có sự chấp thuận cho từng giao dịch.
Vấn đề chính với bên mua là cổ phiếu họ sở hữu sẽ được “hạch toán theo giá thị trường” (MTM). Do đó, nhà đầu tư ngay lập tức sẽ lỗ 7 – 10% cho giao dịch đó (dù họ có thể có lãi khi bán lại).
Khó khăn này chỉ có thể giảm bớt bằng cách thiết lập một “bảng khối ngoại” riêng biệt, theo đó chứng khoán được mua bán giữa các nhà đầu tư nước ngoài có thể biến động giá giống thị trường (marked-to-market) hoặc đưa ra sản phẩm như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – vốn rất thành công ở thị trường Thái Lan.
Đến năm 2015, FOL với tất cả các ngành là 49%. Cùng năm, Việt Nam bắt đầu để hầu hết các công ty (ngoại trừ trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất định) tự chọn FOL riêng. Hiện hay, chỉ một phần nhỏ, 33 trên gần 750 công ty niêm yết, chọn nâng FOL lên 100%. Các ngân hàng vẫn có FOL ở 30%.
Tháng 11/2018, Việt Nam công bố dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có thể nâng FOL lên 100% cho hầu hết công ty niêm yết (ngoại trừ ngân hàng). Việc thông qua luật này là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vào danh sách theo dõi MSCI-EM.
Ngoài FOL, Việt Nam hiện mới chỉ gần đạt tiêu chuẩn của MSCI trong các lĩnh vực:
Tự do hóa thị trường ngoại hối: Nhà đầu tư cần dễ đưa dòng vốn vào/ra khỏi Việt Nam hơn, phòng ngừa rủi ro ngoại hối với các khoản đầu tư người nước ngoài thực hiện ở Việt Nam.
Tiếng Anh: Báo cáo thường niên cùng tài liệu khác của các công ty niêm yết hầu hết bằng tiếng Việt. Hơn nữa, không phải toàn bộ thông tin trên sàn giao dịch hay cơ quan quản lý có phiên bản tiếng Anh.
Bán khống: Không cho phép.
Cơ quan thanh toán bù trừ: Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cần có sự cải thiện bởi các giao dịch hiện nay đều cần trả tiền trước, không có cơ sở thấu chi và các vấn đề kỹ thuật khác.
Với những lý do nêu trên, chúng tôi tin việc đề xuất Việt Nam trở thành EM sẽ xảy ra trong hai năm tới.
Tầm quan trọng khi vào chỉ số MSCI-EM
- Có các quỹ ETF trị giá khoảng 200 tỷ USD theo dõi chỉ số MSCI-EM. Việc có mặt trong chỉ số MSCI-EM có thể giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn lên tới 3 tỷ USD vào thị trường chứng khoán.
- Các thị trường chứng khoán thường tăng 30% trong 12 tháng trước khi được đưa vào chỉ số MSCI-EM. Thị trường Indonesia và Nga tăng đến 150%.
- Nếu Argentina trở thành EM, tỷ trọng Việt Nam trong MSCI-FM sẽ tăng từ 18% lên 30%, thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, dù dòng tiền theo MSCI-FM ít hơn nhiều so với MSCI-EM.
- FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên EM vào cuối năm 2018. Đợt xem xét tiếp theo diễn ra vào tháng 9 năm nay. Dù dòng vốn theo dõi FTSE EM không nhiều, động thái trên có thể mang đến dòng vốn mới 1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam (tương đương mức trung bình trong 3 năm qua).
Như Tâm/Theo VinaCapital
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.