Đầu phiên, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương, không tính Nhật Bản, tăng 0,6% sau khi mất 3% trong tuần trước vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,2% trong đầu phiên. Các cổ phiếu nặng ký như Fast Retailing và Softbank Group đồng loạt tăng. Thị trường Nhật Bản tăng điểm sau báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý I cao hơn kỳ vọng, đạt 2,1%.
Chung xu hướng tăng, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,5%. Ngoài ra, ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1,4% và 0,2%. Trong đó, cổ phiếu tài chính tại Australia tăng hơn 4,5% sau khi kết quả thăm dò cho thấy chính phủ đương thời đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử.
Ngược lại, thị trường Trung Quốc – Hong Kong tiếp tục mất điểm, với Shanghai Composite giảm 1,5% và Shenzhen Component giảm 2,3%. Hang Seng của Hong Kong cũng mất 230 điểm, tương đương giảm 0,8%.
“Lượng tiền mặt đang ở mức khá cao, và giới đầu tư có xu hướng rót vốn trở lại thị trường chứng khoán. Một khi chúng ta có giải pháp cho cuộc chiến thương mại và số liệu kinh tế cải thiện, giống như Nhật Bản, giới đầu tư sẽ giảm lượng tiền mặt để đầu tư vào chứng khoán”, ông Michael Metcalfe, trưởng phòng chiến lược vĩ mô toàn cầu tại State Street, cho biết.
Thị trường chứng khoán vẫn dễ bị tổn thương trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng căng thẳng. Mới đây, phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ đàm phán trong bình đẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi cũng nói với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo qua điện thoại rằng vẫn còn khả năng đàm phán để đi đến thỏa thuận nhưng Bắc Kinh phải bảo vệ lợi ích quốc gia.
Cuối tuần trước, CNBC trích nguồn cận tin cho biết Mỹ và Trung Quốc dường như đã ngừng đàm phán. Thậm chí, kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo cũng liên tục thay đổi vì hiện chưa rõ nội dung hai bên sẽ thảo luận. Nguyên nhân là Trung Quốc không bày tỏ sự sẵn sàng xem xét lại những cam kết mà nước này từ bỏ hồi đầu tháng 5.
Trong động thái mới nhất, Google cho biết đã ngừng kinh doanh với Huawei trong một số mảng sau khi chính phủ Mỹ đưa ra loạt biện pháp kiểm soát tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.
Minh Lan/ Theo CNBC, Bloomberg
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.