Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank (HoSE:
TPB) có những chia sẻ với Người Đồng Hành về quá trình chuyển đổi và tính ứng dụng trong tương lai đối với loại thẻ này, bên lề sự kiện ra mắt thẻ chip nội địa của 7 ngân hàng diễn ra tối 28/5.
- Tại TPBank, lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip như thế nào?
- Chúng tôi dự kiến sau ngày 28/4 tất cả thẻ mới đều chuyển sang thẻ chip, các thẻ cũ sẽ dần chuyển đổi.
Vì thẻ mới tích hợp nhiều công nghệ nên gián tiếp làm giá thành tăng lên. Do đó, chúng tôi cũng phải rất cân nhắc để giảm chi phí chuyển đổi cho khách hàng về mức thấp nhất hoặc là miễn phí trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, đối với số thẻ lớn lên tới 1 triệu đơn vị như của TPBank, chi phí này cũng khá cao nên cần cân bằng dần với nguồn lực ngân sách ngân hàng.
- Cụ thể thì chi phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại ngân hàng thế nào?
- Với TPBank, hạ tầng công nghệ, hệ thống của thẻ chip sẽ được dùng chung cùng thẻ tín dụng vì lâu nay loại này đã dùng chip, có công nghệ không tiếp xúc. Do đó, chi phí chuyển đổi chủ yếu là phí phôi thẻ.
Thẻ chip tích hợp công nghệ chạm, không tiếp xúc nên đắt hơn 8 - 9 lần thẻ từ. Phôi cũ chỉ tốn 4.000 - 5.000 đồng trong khi phôi mới khoảng 35.000 đồng.
Lâu nay, ngân hàng gần như đều đang miễn phí, nếu tiếp tục sẽ đội thêm chi phí. Dĩ nhiên nếu ngân hàng có thể duy trì dịch vụ tốt giữ chân khách hàng thì có thể lấy từ dịch vụ này bù sang dịch vụ khác. TPBank có thể xem xét và miễn được phần đó để thu hút khách hàng, đồng thời gia tăng trải nghiệm tốt khi ứng dụng công nghệ mới.
- Ngân hàng có gặp khó khăn gì trong việc chuyển đổi thẻ?
- Vấn đề lớn nhất sẽ là giá thành cao hơn.
Về kỹ thuật, qua một thời gian chúng tôi làm và đến nay có thể nói đã trơn tru. Toàn bộ hệ thống đều được trang bị những công nghệ mới nhất đối với các loại thẻ. Trong đó nhúng một số tính băng bảo mật như 3D Security.
Bên cạnh đó, TPBank cũng có các giải pháp khác để đảm bảo khách hàng thanh toán tiện lợi, chẳng hạn như với thẻ tín dụng hay thẻ nội địa đều có chip RFID công nghệ không tiếp xúc, thuận tiện cho khách hàng giao dịch.
- Bên cạnh sự an toàn, bảo mật thì thẻ chip còn những tính năng gì nổi bật hơn thẻ từ?
- Trước đây, khách hàng dùng thẻ quẹt qua các khe từ hay phải nhét vào khe đọc chip thì mới sử dụng được. Bây giờ, với công nghệ tiếp xúc, khách hàng chỉ cần vẫy qua thiết bị đó là sẽ dùng rất nhanh và rút ngắn thời gian thanh toán.
TPBank cũng có định hướng kết hợp với các bộ ngành, đưa thẻ chip vào những dịch vụ công, thanh toán giao thông, phí cầu đường và một số hoạt động khác. Có rất nhiều ứng dụng đối với thẻ chip. Bản thân thẻ này cũng an toàn hơn so với trước, nên cả khách hàng và ngân hàng cũng đỡ thiệt hại trong việc trang bị và yên tâm hơn khi giao dịch bằng hệ thống điện tử.
Phía Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành và cơ quan hành chính cũng đang có định hướng chuyển đổi thẻ chip, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, các bên có sự đồng thuận đầu tư và hợp tác rất chặt chẽ. Trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, khi các bộ ngành cùng triển khai thì việc thực hiện không quá khó khăn.
Thực tế, chúng ta thấy chi phí và nguồn lực xã hội bỏ ra trong việc bảo quản vận chuyển, thu đếm kiểm tiền… đang rất cao. Việc đầu tư hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho không chỉ người dân và các tổ chức liên quan mà kể cả lực lượng xã hội cũng tiết kiệm rất nhiều.
- Hiện nay, xuất hiện hình thức thanh toán bằng QR code thay vì thẻ vật lý. Chúng ta có hướng tới chuyển đổi không hay sẽ kết hợp song song?
- Sẽ có một giai đoạn chuyển đổi. Dần dần thanh toán bằng QR sẽ phổ biến hơn. Tuy nhiên, thẻ thanh toán sẽ có một vai trò nhất định và trong tương lai ngắn 5 - 7 năm tới chưa thể biến mất ngay.
Việc ứng dụng công nghệ QR code với chi phí thấp hơn và tính tiện dụng cao hơn sẽ ảnh hưởng nhất định đến qua trình phát triển thẻ nhưng với một khối lượng thẻ rất lớn cùng bộ phận không nhỏ người dân tiếp cận và các đối tượng nhất định cần thẻ vật lý để thanh toán trong một vài trường hợp, thì tương lai thẻ vẫn được dùng để thanh toán. Các nước khác là bài học rất tốt để chúng ta nghiên cứu triển khai rộng QR code. Nhưng với tôi thì thị trường thẻ trong 3 - 5 năm tới vẫn tiếp tục phát triển.
- Xin cảm ơn ông.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.